|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vòng đàm phán Uruguay (Uruguay Round) là gì? Lịch sử và quá trình phát triển

09:52 | 06/12/2019
Chia sẻ
Vòng đàm phán Uruguay (tiếng Anh: Uruguay Round) là cuộc đàm phán thương mại lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.
aseankorea

Vòng đàm phán Uruguay (Uruguay Round) (Nguồn: Lutfur The Law's Insect)

Vòng đàm phán Uruguay (Uruguay Round)

Vòng đàm phán Uruguay - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Uruguay Round.

Vòng đàm phán Uruguay là một chuỗi các cuộc đàm phán thương mại quốc tế từ năm 1986 đến 1994 với kết quả cuối cùng là sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Phải mất bảy năm rưỡi, gần gấp đôi so với lịch trình ban đầu. Cuối cùng, 125 quốc gia đã tham gia kí kết một thỏa thuận về các hoạt động thương mại quốc tế. Vòng đàm phán Uruguay là cuộc đàm phán thương mại lớn nhất từ trước đến nay, và cũng được coi là cuộc đàm phán lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Quá trình phát triển của Vòng đàm phán Uruguay

Dù đã có những thời điểm khó khăn, nhưng Vòng đàm phán Uruguay cũng đã mang đến cuộc cải cách lớn nhất cho hệ thống thương mại thế giới, kể từ khi GATT được thỏa thuận vào cuối Thế chiến thứ hai. 

Những dấu hiệu đầu tiên của Vòng đàm phán Uruguay được bắt đầu vào tháng 11/1982 tại một cuộc họp bộ trưởng các thành viên GATT ở Geneva. Cuộc họp này đã hình thành nên cơ sở cho chương trình đàm phán của Vòng đàm phán Uruguay.

Tháng 9/1986, tại Punta del Este (Uruguay) các bộ trưởng đã đồng ý tiến tới vòng đàm phán mới, bao gồm hầu hết mọi vấn đề chính sách thương mại nổi bật. Tuy nhiên, phải mất thêm bốn năm để làm rõ các vấn đề và xây dựng sự đồng thuận.

Hai năm sau, vào tháng 12/1988, các bộ trưởng gặp lại nhau ở Montreal (Canada) để làm rõ chương trình nghị sự trong hai năm còn lại, tuy nhiên các cuộc đàm phán đã kết thúc trong bế tắc cho đến cuộc gặp ở Geneva.

Mặc dù có những bế tắc trong cuộc họp ở Montreal, các bộ trưởng đã đạt được một số kết quả ban đầu. Những kết quả này bao gồm một số ưu đãi về tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nhiệt đới nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển; Hệ thống giải quyết tranh chấp hợp và Cơ chế đánh giá chính sách thương mại cung cấp các đánh giá toàn diện, có hệ thống và thường xuyên về các chính sách, thực tiễn thương mại quốc gia. 

Vòng đàm phán sẽ kết thúc khi các bộ trưởng gặp nhau một lần nữa tại Brussels, vào tháng 12/1990. Nhưng các thành viên GATT không đồng ý về phương hướng cải cách thương mại nông nghiệp và quyết định mở rộng các cuộc đàm phán. Đây là thời kì đen tối nhất của Vòng đàm phán Uruguay.

Arthur Dunkel - chủ tịch GATT thời điểm đó - người chủ trì các cuộc đàm phán ở cấp quan chức đã đưa ra bản dự thảo về thỏa thuận sau cùng đặt trên bàn ở Geneva vào tháng 12/1991. Dự thảo này chính là cơ sở cho thỏa thuận cuối cùng của vòng đàm phán.

Vào tháng 11/1992, Hoa Kỳ và EU đã giải quyết hầu hết sự xung đột của họ về nông nghiệp trong một thỏa thuận được gọi một cách không chính thức là "Hiệp định Blair House". 

Đến tháng 7/1993, "Quad" (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Canada) đã công bố thỏa thuận trong việc đàm phán thuế quan và tiếp cận thị trường. Ngày 15/4/1994, thỏa thuận được kết bởi các bộ trưởng từ hầu hết 125 chính phủ tham gia tại một cuộc họp ở ERICesh (Morocco).

Mất một khoảng thời gian không hề ngắn, trải qua rất nhiều cuộc đàm phán khác nhau, tuy nhiên Vòng đàm phán Uruguay thực sự đã mang đến một cuộc cải cách lớn cho hệ thống thương mại trên thế giới. (Theo World Trade Organization - WTO)

Hoàng Huy