|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu?

07:25 | 16/02/2022
Chia sẻ
Người chăn nuôi kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt sau khi Chính phủ giảm mức thuế nhập khẩu MFN với ngô và lúa mì. Song ngược lại, giá thức ăn hỗn hợp lại có đợt tăng thứ 9 - 10 kể từ năm 2020.

Từ ngày 16 – 18/2, một số doanh nghiệp như De Heus, CTCP MNS Feed, CJ Vina Agri thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ 200 đến 300 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng giá thứ 9 - 10, kể từ cuối năm 2020.

Lý do các doanh nghiệp đưa ra cho việc nâng giá bán là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động, tăng cao trong thời gian qua.

Điều này trái với kỳ vọng của người chăn nuôi sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, kể từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.

Vì sao giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp sản xuất đồng loạt thông báo tăng 200 - 300 đồng/kg thức ăn hỗn hợp. (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp)

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng nếu ở điều kiện bình thường, giá thức ăn hỗn hợp sẽ ổn định hoặc giảm xuống sau khi giảm thuế giá nguyên liệu khoảng 1-2 tháng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kèm theo căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine khiến các nước, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tích trữ vì lo ngại giá hàng hóa leo thang, giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng tăng phi mã, lên đỉnh 8 năm khiến chi phí vận chuyển, logistics đẩy giá nguyên liệu tăng theo.

"Trước cơn bão giá thức ăn chăn nuôi năm 2021, Quốc hội, Chính phủ thông qua việc giảm thuế nguyên liệu nhưng chỉ có thể đỡ cho doanh nghiệp phần nào.

Còn Việt Nam phụ thuộc 90% nguyên liệu của thế giới nên giá cả sẽ biến động theo xu hướng chung. Các doanh nghiệp vẫn đang tích trữ và giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp có thể sẽ tiếp tục tăng", ông Trọng nói.

Điều này thể hiện qua của Tổng cục Hải quan. Theo đó, nhập khẩu ngô tháng 1 đạt hơn 1 triệu tấn, tương đương 340 triệu USD, tăng hơn 2 lần về lượng và giá trị so với tháng trước đó, song giảm 7% về lượng và tăng 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Vì sao giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu? - Ảnh 2.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Giá ngô nhập khẩu tháng 1 ở mức 320 USD/tấn, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Mức giá này cũng tương đương với mức đỉnh vào tháng 7/2021.

Hiện, giá ngô ở thị trường trong nước dao động hơn 8.000 đồng/kg, khô dầu khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg so với trước Tết.

Theo ông Trọng, xét về tổng thể, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng 20 – 30% kể từ cuối năm 2020 và đà tăng của thức ăn hỗn hợp sẽ chưa dừng lại. 

Điều này tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ khi giá heo hơi đang dao động ở mức 55.000 – 58.000 đồng/kg, giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg so với trước Tết.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng câu chuyện giá thức ăn hỗn hợp tăng, giá heo giảm có thể sẽ tiếp diễn. Và nông hộ vẫn là đối tượng mỏng manh nhất. Lúc giá heo tăng, nông hộ được hưởng lợi ít vì chăn nuôi nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao nhưng lúc giá giảm lại chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất.

Vì sao giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu? - Ảnh 3.

Kịch bản giá thức ăn tăng, giá heo giảm có thể lặp lại. (Ảnh minh họa: Farmvina)

"Trước đây và bây giờ, tôi vẫn khuyến cáo cần chăn nuôi theo chuỗi, liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để giảm giá thành sản xuất, tăng cơ hội đầu ra.

Bên cạnh đó, nông dân nên tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi tuần hoàn để vượt qua những khó khăn kép này", ông Trọng nói.

Ở một khía cạnh khác, heo là đối tượng sử dụng thức ăn hỗn hợp nhiều hơn so với các loài gia cầm, gia súc ăn cỏ.

Do đó, trong chiến lược chăn nuôi đến năm 2030 sẽ cố gắng giảm tỷ lệ thịt heo trong rổ thực phẩm của người Việt xuống còn 60%, thay vì 65-66% như hiện nay. Đồng thời tăng tỷ lệ thịt gia cầm lên 30% thay vì 26-27%, gia súc ăn cỏ lên 10%.

Với chiến lược này, ngành chăn nuôi có thể giảm phần nào sự phụ thuộc vào thức ăn hỗn hợp và tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có như thóc gạo, rơm rạ, cỏ...

Phạm Mơ