Từ 30/12, giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trước sức ép tăng giá nguyên liệu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 và Nghị định số 57 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/12/2021.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thực phẩm thế giới thời gian qua leo thang do nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu bật tăng mạnh mẽ khi nền kinh tế phục hồi với các mặt hàng chủ lực.
Chỉ số giá lương thực-thực phẩm toàn cầu của FAO tăng hơn 30%, cao nhất trong khoảng 10 năm qua.
Tại Việt Nam, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất, nhưng lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, lên đến 70-80% nhất là các mặt hàng ngô, lúa mì, đỗ tương.
Vì vậy, việc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép của việc tăng giá nguyên liệu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã đạt gần 4,14 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.
Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina. Trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,45 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2020, chiếm 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của cả nước.
Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt 692,36 triệu USD, tăng mạnh 66,3% so với cùng kỳ, chiếm 16,7%.