|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Tổng De Heus: Giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn một đợt tăng trong khi giá heo hơi kịch kim đạt 55.000 đồng/kg

16:40 | 17/11/2021
Chia sẻ
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết trong bối cảnh giá cả hàng hóa đều tăng phi mã, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn một đợt tăng nhẹ vào cuối năm. Song giá heo hơi vẫn duy trì ở mức thấp, tăng kịch kim chỉ đạt 55.000 đồng/kg.

Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố giá lương thực tăng 30% trong năm qua vì nhu cầu ngày càng tăng trong khi sản lượng giảm do yếu tố thời tiết bất lợi. 

Từ thực trạng này, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus để tìm hiểu rõ hơn xu hướng tăng giá của thức ăn chăn nuôi và dự báo diễn biến giá heo hơi khi đối mặt với nhiều khó khăn.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng chia sẻ nhiều thông tin, kế hoạch sản xuất khi De Heus vừa thực hiện "thương vụ bạc tỷ", mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn của Masan.

Mới đây, FAO công bố giá lương thực tăng 30% trong năm qua. Xin ông cho biết với đà này, giá thức ăn chăn nuôi từ nay đến cuối năm có tiếp tục tăng?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đều tăng phi mã, trong đó có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thì rất có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn một đợt tăng nhẹ nữa.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng 16-36% trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về nhóm ngũ cốc.

Cụ thể giá ngô hạt 7.616 đồng/kg, tăng 35%), khô dầu đậu tương 13.091 đồng/kg, tăng 35,5%, cám mì 6.716 đồng/kg, tăng 33%, sắn lát 5.994 đồng/kg, tăng 19%, cám gạo chiết ly 4.936 đồng/kg, tăng 16%…

(Nguồn: Cục Chăn nuôi)

Song, doanh nghiệp sẽ cố gắng chia sẻ với nông dân, không tăng sốc vì nếu giá cám quá cao, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn, tăng đàn thì doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngoài ra có thể mất khách hàng.

Việc giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của doanh nghiệp và người chăn nuôi. Chúng tôi sẽ cân đối làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên.

Giá nguyên liệu vẫn tiếp tục leo thang, điều này có tạo động lực cho giá heo hơi tăng mạnh vào thời điểm cuối năm?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Thị trường heo năm nay khó có thể dự báo chính xác vì nhu cầu tiêu thụ, diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang thay đổi từng ngày, từng giờ.

Theo đánh giá chủ quan của tôi, giá heo hơi từ nay đến cuối năm sẽ ổn định ở mức thấp, không có biến động quá lớn về giá.

Giá heo hiện nay đang dao động 45.000 – 50.000 đồng/kg thì đến dịp Tết Nguyên đán giá heo hơi chỉ lên được 55.000 đồng/kg vì nhu cầu năm nay có thể không tăng nhiều trong khi tổng đàn heo cả nước vẫn duy trì 28 triệu con.

Nếu chăn nuôi theo chuỗi, bài bản, giá heo hơi ở mức 45.000 – 55.000 đồng/kg, doanh nghiệp vẫn có lãi nhẹ, còn nông dân thì vẫn ở thế khó.

Trong ngành chăn nuôi, chỉ có cách giảm giá thành sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi mới có thể tiết giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Phó Tổng De Heus: Giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn một đợt tăng trong khi giá heo hơi kịch kim đạt 55.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá heo hơi vẫn duy trì ở mức thấp song giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn một đợt tăng. (Ảnh: Kinh tế Đô thị.)

Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu tiêu thụ thịt vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần sắp tới? Và kế hoạch sản xuất của De Heus có gì thay đổi so với dự kiến?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Thông thường, nhu cầu tiêu thụ vào những tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 15 – 20% so với mức trung bình, các doanh nghiệp sẽ "bung" hàng hóa và thu lợi nhuận.

Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá sức tiêu thụ thịt năm nay sẽ tăng ít hơn, thậm chí ở kịch bản xấu có thể giảm vì nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của nền kinh tế, thu nhập của người dân giảm và dịch bệnh COVID-19.

Cũng như mọi năm, kế hoạch sản xuất cho Tết của De Heus được chuẩn bị từ tháng 10, 11 với lượng hàng hóa tương đương với mọi năm.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh và nhu cầu tiêu thụ vẫn là thứ khó đoán.

Nếu như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể nhanh chóng thay đổi kế hoạch sản xuất, thị trường biến động không tích cực họ có thể chậm tái đàn, tăng đàn.

Thì doanh nghiệp theo chuỗi lại không thể. Bởi, đàn giống bố mẹ liên tục sản xuất giống, việc giảm đàn, hủy đàn cần có kế hoạch, không thể muốn có thể làm ngay được.

Ở thời điểm này, theo ông các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang đối mặt với những thách thức như thế nào?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Về ngắn hạn, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với 3 rủi ro ở thời điểm "vàng".

Thứ nhất, miền Bắc và phía bắc của miền Trung đang bước vào mùa đông, miền Nam cũng chuyển từ mùa mưa sang mùa khô. Thời điểm giao mùa gây bùng phát, lây lan nhiều loại dịch bệnh ở động vật.

Thứ hai, giá của hầu hết các sản phẩm chăn nuôi như thịt heo, thịt gà, trứng… trong năm 2021 đều không cao, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm.

Thứ ba, sức tiêu thụ của thị trường vẫn là yếu tố khó đoán vì trường học đóng cửa, khu công nghiệp giảm người làm, sức tiêu thụ của người dân vẫn ở mức thấp… Đây là yếu tố ảnh hưởng dai dẳng và tiêu cực nhất.

Song nhìn ở một khía cạnh tươi sáng, thị trường càng khó khăn bao nhiêu thì cơ hội cho những năm tiếp theo càng tốt bấy nhiêu.

Vấn đề là ai là người còn ở lại sau cùng, còn đủ kiên trì, đam mê và tiềm lực tài chính để đi tiếp con đường phía trước.

Như ông vừa chia sẻ, sức tiêu thụ sản phẩm tươi sống vẫn là ẩn số. Vậy De Heus có kế hoạch chế biến sản phẩm để giảm bớt rủi ro?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Hiện nay, De Heus mới có nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm. Chúng tôi chưa tham gia vào lĩnh vực chế biến nhưng cũng có định hướng.

Bởi đây cũng là lĩnh vực tiềm năng vì nhu cầu sử dụng sản phẩm chế biến đang tăng từng ngày. Đồng thời, việc chế biến cũng giúp doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn sản phẩm tươi sống, vừa có thời gian bảo quản dài.

Có thể nói, năm 2021 là một năm đầy sóng gió với ngành chăn nuôi. Vậy lợi nhuận của doanh nghiệp có được đảm bảo như những năm trước?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Nếu tính riêng ở mảng chăn nuôi liên kết, năm nay De Heus lỗ nặng. Tuy nhiên, mảng thức ăn chăn nuôi "cứu cánh" nên lợi nhuận doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

May mắn rằng chúng tôi có chiến lược về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tốt, có những hợp đồng lớn, dài hạn từ trước nên trong thời điểm giá nguyên liệu tăng phi mã, chúng tôi có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác.

Tùy theo những thay đổi của thị trường thế giới, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Phó Tổng De Heus: Giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn một đợt tăng trong khi giá heo hơi kịch kim đạt 55.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Thức ăn chăn nuôi là mảng cứu cánh cho lợi nhuận của De Heus. (Ảnh: Eurofins)

Mới đây, De Hues vừa mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan. Với thương vụ bạc tỷ này, De Hues có tham vọng trở thành "ông trùm" ngành thức ăn chăn nuôi ở Đông Nam Á?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Chúng tôi không có tham vọng trở thành "ông trùm" ở bất kỳ thị trường nào cả, De Heus chỉ mong rằng các sản phẩm mình tạo ra có thương hiệu, có tính cạnh tranh về giá cả và chất lượng.

Ngoài ra, việc mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan nằm trong kế hoạch cốt lõi của De Heus là giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Việc mở rộng sản xuất ở thời điểm giá nguyên liệu tăng phi mã có phải là thách thức cho doanh nghiệp, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Chắc chắn, đó là thách thức.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng đây là cơ hội lớn vì ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam và thế giới đang biến động mạnh, doanh nghiệp càng lớn sẽ có nhiều lợi thế khi đàm phán giá ưu đãi, chất lượng dịch vụ và các chính sách của nhà cung cấp tốt hơn.

Các doanh nghiệp FDI như De Heus ngày càng lớn mạnh, có vẻ như các doanh nghiệp nội địa khá lép về trong mảng thức ăn chăn nuôi?

- Ông Nguyễn Quang Hiếu: Thị trường thức ăn chăn nuôi là cơ hội chung cho tất cả doanh nghiệp, không riêng De Heus.

Song khách quan mà nói, doanh nghiệp nội địa khởi nghiệp với mặt bằng vốn không lớn, việc đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ chưa nhiều nên có sự phát triển tương đối chậm chạp so với các doanh nghiệp FDI.

Nếu các doanh nghiệp nội địa có hướng đầu tư đúng đắn về nghiên cứu về công nghệ, con người, tôi tin mọi thứ sẽ khác.

Hoàng Anh