Vấn đề chính sách (Policy problem) là gì? Các căn cứ lựa chọn vấn đề chính sách
Hình ảnh minh họa (Nguồn: nguoilambao.vn)
Vấn đề chính sách (Policy problem)
Khái niệm
Vấn đề chính sách trong tiếng Anh là policy problem
Hiện nay khi ngành khoa hoc phân tích chính sách đang được hình thành và phất triển thì hệ thống các khái niệm liên quan cũng đang dần được hoàn thiện. Trong đó khái niệm về vấn đề chính sách đang đực tiếp nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi góc độ lại có một quan niệm riêng. Tuy nhiên có một khái niệm được các nhà khoa học và quản lí thừa nhận rộng rãi: "Vấn đề chính sách là những nhu cầu tương lai của đời sống xã hội cần đạt được bằng chính sách".
Về bản chất, nhu cầu tương lai của đời sống xã hội chính là khoảng cách giữa mức sống hiện tại với tương lai theo qui luật vận động phát triển. Khoảng cách này chính là một mâu thuẫn, khoảng cách được lấp đầy khi mâu thuẫn được giải quyết. Như vậy, vấn đề chính sách có thể được coi là những mâu thuẫn nảy sinh cần được Nhà nước giải quyết bằng chính sách.
Vấn đề chính sách chính là trung tâm của quá trình chính sách. Thông tin về vấn đề chính sách là quan trọng nhất vì cách thức xác định vấn đề chi phối khả năng tìm ra giải pháp. Vì vậy, cần phải chú trọng nâng cao năng lực xác định vấn đề chính sách, tránh nhầm lẫn hoặc bỏ xót vấn đề chính sách.
Căn cứ lựa chọn vấn đề chính sách
Thực tế các vấn đề có thể là rất nhiều, nhưng rõ ràng là Nhà nước không thể ngay một lúc giải quyết tất cả mọi vấn đề mà đòi hỏi phải lựa chọn được vấn đề nào cần giải quyết trước nhất. Căn cứ chủ yếu để lựa chọn vấn đề cho các chính sách là tính quan trọng và tính bức xúc của nó trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhìn chung, các nhà phân tích quan tâm xem xét một số căn cứ sau đây:
- Căn cứ vào tính bức xúc của vấn đề chính sách so với nhu cầu của xã hội. Những vấn đề trở thành mâu thuẫn ngày càng gay gắt, hoặc trở thành vật cản đối với sự phát triển của đất nước.
- Căn cứ vào yêu cầu quản lí của Nhà nước đối với vẫn đề chính sách.
- Căn cứ vào khả năng tổ chức giải quyết vấn đề chính sách của Nhà nước và khả năng tham gia giải quyết vấn đề của các đối tượng chính sách.
Như vậy, vấn đề nảy sinh như một nhu cầu trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ nhu cầu đến chỗ xác định vấn đề chính sách là một quá trình tìm kiếm, phân tích và lựa chọn. Tuy vấn đề đã xuất hiện và tồn tại, nhưng nếu những chủ thể hoạch định chính sách không nhận thức được tình hình thực tế và không xác định được vấn đề thì vấn đề chưa có khả năng được đưa thành chính sách kinh tế - xã hội. Điều đó tất yếu làm cản trở sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết Phân tích chính sách, đồng chủ biên: TS. Nguyễn Trọng Hòa, TS. Vũ Sỹ Cường, năm 2013, NXB Tài Chính)