|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cổ tức (Dividend) là gì? Yếu tố ảnh hưởng tới chính sách chia cổ tức

14:52 | 20/08/2019
Chia sẻ
Cổ tức (tiếng Anh: Dividend) là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính (Theo Luật Doanh nghiệp 2014).
sauploaddividendiconjpg-1540762113666-1

Hình minh hoạ (Nguồn: Fincash)

Cổ tức

Khái niệm

Cổ tức hay còn gọi là lợi tức cổ phần trong tiếng Anh được gọi là Dividend.

Cổ tức là một phần lợi nhuận được phân phối cho cổ đông, tuỳ thuộc tình hình lợi nhuận của Tổ chức phát hành và tỉ lệ góp vốn đầu tư của từng cổ đông.

Hàng năm Ban điều hành công ty quyết định có công bố trả cổ tức hay không và chính sách phân chia cổ tức như thế nào. 

Không phải bất cứ cổ phần nào cũng đem lại cổ tức. Nếu một công ty đang tăng trưởng nhanh có thể làm lợi cho các cổ đông bằng cách tái đầu tư, trong trường hợp đó, công ty sẽ không trả cổ tức. Một cổ phiếu không được trả cổ tức không hẳn là cổ phiếu của công ty đang làm ăn thua lỗ. 

Thời hạn trả cổ tức

Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. 

Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. 

Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng kí trong sổ đăng kí cổ đông chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức.

Hình thức trả cổ tức

Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác qui định tại Điều lệ công ty. 

Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và có thể được chi trả bằng séc, chuyển khoản hoặc lệnh trả tiền gửi bằng bưu điện đến địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của cổ đông.

Chính sách chia cổ tức (Dividend policy)

Chính sách chia cổ tức của công ty phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm, lấy căn cứ là thu nhập ròng của công ty sau khi trả lãi và thuế

- Số cổ phiếu ưu đãi chiếm trong tổng số vốn cổ phần

- Chính sách tài chính trong năm tới trong đó xem xét khả năng tự tài trợ

- Hạn mức của quĩ tích luỹ dành cho đầu tư

- Giá trị thị trường của cổ phiếu công ty

(Tài liệu tham khảo: Thị trường Chứng khoán – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, NXB Thống kê. Luật Doanh nghiệp 2014)

Diệu Nhi

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.