|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tương tự Trung Quốc, các ngân hàng ngầm ở Hàn Quốc cũng đang gặp rắc rối

14:16 | 23/04/2024
Chia sẻ
Hàn Quốc đang trở thành một mắt xích yếu trong hệ thống ngân hàng ngầm toàn cầu trị giá 63.000 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư và nhà chức trách đang theo dõi sát tình hình Hàn Quốc.

Các toà nhà thương mại và khu dân cư tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Mắt xích yếu

Sau khi lãi suất bật tăng, rủi ro tài chính liên quan đến lĩnh vực bất động sản tại Hàn Quốc cũng như thị trường quốc tế đã trở nên đáng ngại hơn.

Theo Bloomberg, các công ty tài chính như T. Rowe Price Group và Nomura Holdings đều từng bày tỏ lo ngại về các khoản vay mà hệ thống ngân hàng ngầm Hàn Quốc cấp cho lĩnh vực bất động sản.

Những tín hiệu đáng ngại đầu tiên trên thị trường tín dụng Hàn Quốc xuất hiện khoảng 19 tháng trước, khi nhà phát triển công viên giải trí Legoland không thanh toán đúng hạn khoản vay mà họ dùng để tài trợ cho các dự án.

Đến tháng 7 năm ngoái, sau khi báo cáo khoản lỗ khoảng 60 tỷ won (tương đương 45 triệu USD) liên quan đến danh mục cho vay bất động sản, một chi nhánh của MG Community Credit Cooperatives, một trong những hiệp hội tín dụng lớn nhất Hàn Quốc, đã phải đóng cửa.

Cũng vào năm ngoái, tỷ lệ nợ quá hạn tại một nhóm tổ chức cho vay chủ chốt của Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi lên 6,55%, trong khi các nhà kinh tế tại Citigroup ước tính khoảng 111.000 tỷ won (tương đương 80 tỷ USD) vốn vay cấp cho các dự án địa ốc đang “có vấn đề”.

Dữ liệu từ Viện Thị trường Vốn Hàn Quốc cho thấy nguồn tài trợ từ các ngân hàng ngầm cho lĩnh vực bất động sản đã vọt lên mức kỷ lục 926.000 tỷ won (tương đương 672 tỷ USD) vào năm 2023, gấp 4 lần so với một thập kỷ trước.

Các nhà hoạch định chính sách đã ngăn chặn rủi ro lây lan bằng cách mở rộng một số điều kiện bảo lãnh cho vay nhất định, nhưng thông báo tái cơ cấu gây sốc vào cuối năm ngoái của công ty xây dựng Taeyoung Engineering & Construction cho thấy mối nguy hiểm vẫn còn.

Chủ nợ lớn nhất của Taeyoung cho biết vào tuần trước rằng công ty này cần đạt được một thoả thuận hoán đổi nợ thành cổ phần trị giá khoảng 1.000 tỷ won để loại bỏ nguy cơ suy yếu vốn (capital impairments).

Các kế hoạch tái cơ cấu như vậy có thể khiến tình trạng căng thẳng của các ngân hàng ngầm Hàn Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, Bloomberg cảnh báo.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Ổn định Tài chính, nhóm các ngân hàng ngầm có thể gây rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính của Hàn Quốc đang lớn hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác và chỉ đứng sau Mỹ về quy mô tương đối.

 

Những gì đang xảy ra ở Hàn Quốc có lẽ là một mô hình thu nhỏ cho những gì có thể diễn ra ở nơi khác

Ông Quentin Fitzsimmons, nhà quản lý danh mục đầu tư có thu nhập cố định tại T. Rowe Price, cho hay.

Hoạt động cho vay của các ngân hàng ngầm Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi các ngân hàng thương mại ngần ngại cấp những khoản vay rủi ro, khiến các doanh nghiệp nhỏ và ít lợi nhuận hơn phải tìm đến các nguồn vốn thay thế.

Việc đảo nợ ngày càng thách thức khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) trở thành một trong những ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất vào năm 2021.

Tất nhiên, Hàn Quốc không phải nền kinh tế duy nhất đối mặt với những hậu quả khó lường khi chi phí đi vay tăng cao hơn. Tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay có sử dụng đòn bẩy của Mỹ đã lên tới 6% trong ba tháng đầu năm 2024.

Song, nhìn từ tốc độ phản ứng của các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc, có thể thấy rõ ràng rằng chính quyền Seoul đang lo ngại.

Một quan chức thuộc Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc hồi đầu tháng 4 cho biết tổ chức này có thể sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ một số ngân hàng tiết kiệm sau khi họ đánh giá lại các khoản nợ quá hạn trong quý I.

Ông Jeong Woo Park, chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, nhận định: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực bất động sản. Việc giải quyết vấn đề nợ nần của Taeyoung chưa phải là dấu chấm hết, mà có thể là khởi đầu của cơn đau đầu...”

Toà nhà trụ sở của Taeyoung Engineering & Construction tại Seoul. (Ảnh: Bloomberg).

Điều tồi tệ nhất chưa đến

Cho đến nay, rủi ro tín dụng tại Hàn Quốc vẫn chưa gây thiệt hại kinh tế như tại Trung Quốc. Do cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc đã lên đến 130 tỷ USD. Khủng hoảng còn gây ra tình trạng giảm phát kéo dài.

Rắc rối ở Trung Quốc còn khiến gã khổng lồ trong lĩnh vực tài chính ngầm Zhongzhi Enterprise Group phải nộp đơn xin phá sản vào đầu năm nay.

Lo lắng trước những rủi ro ở Trung Quốc, nhiều tổ chức cho vay tư nhân đã cân nhắc chuyển tiền sang các thị trường châu Á khác, bao gồm cả Hàn Quốc. Ví dụ, KKR đã ký một thoả thuận cho công ty bất động sản Innovalue vay 40 triệu USD vào đầu năm nay.

Song, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến với thị trường bất động sản Hàn Quốc. Hồi đầu tháng, nhà kinh tế Jin-wook Kim của Citigroup cho biết trong kịch bản cơ sở của ngân hàng này, việc tái cơ cấu nợ của các công ty địa ốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm chững lại còn 0,2%.

Như đã đề cập thì đến nay, các nhà chức trách Hàn Quốc đã thành công ngăn chặn rủi ro lây lan. Sau vụ việc của Taeyoung, Seoul cam kết sẽ mở rộng quy mô gói hỗ trợ trị giá 66 tỷ USD nếu cần. Tháng trước, chính phủ đã củng cố những cam kết đó bằng hàng tỷ USD hỗ trợ bổ sung.

Trao đổi với Bloomberg, ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: “Hàn Quốc đang kiểm soát rủi ro nhưng chúng ta vẫn cần theo dõi chặt chẽ tình hình. Một số tổ chức nhỏ hơn có thể gặp rủi ro”.

Khả Nhân