Người Việt 'sính' thanh toán online: TMĐT đạt 25 tỷ USD, 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt
Trong báo cáo mới công bố, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.859 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.
Dựa vào các số liệu đó, VECOM ước tính lĩnh vực TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2023, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.
Tính đến cuối năm ngoái, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022 với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch và qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch.
Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021 và đến hết năm 2023, có gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.
Số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,2 triệu ví và chiếm 63,2% trong tổng số gần 57,3 triệu ví điện tử đã được kích hoạt, với tổng số tiền trên các ví này là gần 3.000 tỷ đồng.
Sau hai năm thí điểm, Mobile Money tính đến cuối năm ngoái số lượng tài khoản đăng ký đạt gần 6 triệu, tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2.400 tỷ đồng.
Dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment services) và giao hàng chặng cuối (last mile delivery) ngày càng hoàn thiện trong năm ngoái nhờ việc nhiều doanh nghiệp đầu tư khá lớn với mức độ ứng dụng công nghệ cao vào các trung tâm hoàn tất đơn hàng.
Các mô hình trung tâm hoàn tất đơn hàng quy mô vừa chuyên phục vụ nhóm khách hàng nhỏ lẻ tại trung tâm các thành phố lớn, xuất hiện nhiều hơn, ví dụ như Fulfillment Hub của Swifthub hoặc N&H Logistics tại TP HCM.
"Những xu thế này sẽ thúc đẩy dịch vụ hoàn tất đơn hàng ngày càng phát triển trong những năm sắp tới. Hai nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam đã khai trương hai trung tâm phân loại hàng hoá công nghệ cao. Thị trường giao hàng chặng cuối của Việt Nam trở nên sôi động hơn với sự tham gia của ngày càng nhiêu doanh nghiệp", báo cáo nêu.
Theo nghiên cứu của Allied Market Research, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đạt giá trị 0,71 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính sẽ tăng lên mức 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn 2022 - 2030.
Ngoài ra, xu hướng doanh nghiệp chuyển phát nhanh nước ngoài đầu tư trực tiếp tăng lên rõ rệt. Thị trường giao hàng chặng cuối chứng kiến mức độ cạnh tranh cao về giá thành và chất lượng dịch vụ.
Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh cùng với sự gia tăng trong giao hàng B2C và tốc độ phát triển nhanh chóng trong các dịch vụ thương mại quốc tế là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Theo đánh giá của VECOM, ở giai đoạn 2026– 2030, Việt Nam vẫn cần xây dựng tầm nhìn phát triển thương mại điện tử bền vững dù lĩnh vực này đang có mức độ tăng trưởng cao. Cụ thể, VECOM kiến nghị cần thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến, tận dụng các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.