Tự giới thiệu kinh doanh nhiều lĩnh vực trên sóng Shark Tank, CEO URRA đang là ông chủ công ty sản xuất thiết bị âm thanh karaoke, MC đài truyền hình quốc phòng, có thương hiệu thời trang riêng
Xuất hiện trong tập 14 Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Vũ Trung Kiên đại diện cho startup về đồ chơi URRA Việt Nam đến gọi vốn 5 tỷ cho 20% cổ phần, định giá công ty hơn 1 triệu USD.
Ông Kiên cho hay tất cả sản phẩm từ thiết kế đến sản xuất đều từ xưởng của URRA. Sản phẩm của startup đã có đầy đủ chứng nhận đảm bảo chất lượng để các bé chơi không ảnh hưởng tới sức khỏe. Hiện URRA đang làm những trò board game quen thuộc như cờ vua, cờ cá ngựa... và dự định sẽ phát triển các món đồ chơi công nghệ trong tương lai.
Mức giá của URRA chính là điểm khác biệt lớn nhất với các món đồ chơi khác trên thị trường. Đơn cử, một bộ cờ cá ngựa trên thị trường hiện giờ cớ mức giá từ 180.000 đến 250.000 đồng, trong khi bộ cờ cá ngựa của URRA có giá 790.000 đến 1,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, URRA sau đó đã không gọi vốn thành công, thậm chí còn được Shark Phú khuyên đừng nên đi gọi vốn. Startup cũng được Shark Bình chỉ ra những điểm yếu "chết người" khi đi thuyết trình.
"Trong quá trình pitch, em cho các Shark thấy điểm hở sườn "chết người" của em là em có quá nhiều alternative (phương án) choice (sự lựa chọn), nhiều way out (lối thoát), size business (quy mô doanh nghiệp) khác để em có thể kiếm tiền. Khi business này gặp khó khăn thì em có thể rút chạy trốn và có thể bỏ rơi đứa con này", Shark Bình cho rằng startup có quá nhiều đường lui nếu dự án này thất bại. Trước đó, ông Vũ Trung Kiên cũng chia sẻ bản thân đang kinh doanh nhãn hàng thời trang và mặt hàng âm thanh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Kiên đang làm Tổng giám đốc tại CTCP Điện tử Hồ Gươm, đơn vị sở hữu thương hiệu thiết bị karaoke VietKTV. Năm 2019, Điện tử Hồ Gươm đã tách thương hiệu VietKTV cũ thành hai thương hiệu là VietKTV và VietK.
Lãnh đạo Điện từ Hồ Gươm từng chia sẻ dung lượng bán ra của VietKTV trung bình khoảng 30 đến 50 ngàn sản phẩm/năm nhưng ngành karaoke với khách hàng chính là các quán hát thì có giới hạn, khó phát triển hơn. Do đó, các sản phẩm của thương hiệu mới VietK hưởng đến mảng khách hàng gia đình.
"Kinh doanh karaoke là một ngành siêu lợi nhuận với tỷ suất có thể lên đến 50%. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các nền tảng số phát triển thì tính cạnh tranh ở một ngành dịch vụ giải trí này ngày càng gia tăng cao", ông Kiên nói.
Tại Shark Tank Việt Nam, ông Kiên cũng từng lấy mảng kinh doanh sản phẩm âm thanh của mình làm ví dụ trong màn gọi vốn. Cụ thể, đại diện URRA lý giải vì sao đã bán 19 bộ cờ vua trị giá 40 triệu đồng/bộ nhưng chưa đưa vào doanh thu.
"Việc chưa đưa vào cơ cấu của công ty bởi vì phải chiết khấu về xưởng cơ khí làm cho bọn em. Xưởng cơ khí là của cổ đông bên em, cũng là kinh nghiệm của em. Trước đây em có bản sản phẩm âm thanh, ví dụ cuối năm không có tiền nhập hàng thì sẽ cho nhà phân phối cổ phần của lô hàng đấy"
"Lô hàng này bọn em cổ phần với xưởng cơ khí và chia nhau luôn, không đưa vào cơ cấu doanh thu. Đấy là cách để làm những sản phẩm có giá vốn cao. Thực ra bọn em đang gặp điều ngược lại, tức 1 tỷ đồng đang bị tiêu hoang, cần quản trị, cần nghiêm túc", đại diện URRA cho hay.
Theo chúng tôi tìm hiểu, bên cạnh việc kinh doanh, ông Vũ Trung Kiên còn là MC cho các chương trình như Xạ Thủ Đua Tài, Giải mã vũ khí,... của đài truyền hình Quốc Phòng Việt Nam (QPVN). Ông Kiên từng được khán giả của chương trình đánh giá cao với kỹ năng bắn súng tốt, am hiểu các loại vũ khí.
Về cơ duyên làm MC tại Xạ thủ đua tài, ông Kiên cho biết bản thân xuất phát điểm tham gia dẫn Radar TV và Giải mã vũ khí của kênh QPVN. Từ đó ông có cơ hội làm việc với các nội dung liên quan đến vũ khí.
"Sau rất nhiều khó khăn, nhất là về rào cản kĩ thuật, Radar TV của kênh QPVN ra đời, trải nghiệm 2 mẫu súng AK47 và M16 từ cách đây 6 năm. Dần dà, Xạ thủ đua tài kế nhiệm, là chương trình đưa mô hình truyền hình thực tế thay thế những chương trình trước đó", ông Kiên chia sẻ về hành trình dẫn chương trình Xạ thủ đua tài.