|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không có yếu tố chuyển đổi số, song startup thu mua, vận chuyển mực biển đã khiến Shark Bình và Shark Liên phải tranh nhau đầu tư

07:36 | 02/08/2021
Chia sẻ
Không có yếu tố "chuyển đổi số" song Mực nhảy Biển Đông vẫn nhận được sự quan tâm của Shark Bình. Với lời đề nghị tốt hơn, Shark Liên là người nhận được cú gật đầu từ startup này.

Trong tập 14 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", ông Huỳnh Bá Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Mực nhảy Biển Đông, giới thiệu một giải pháp phân phối mực với hy vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống của ngư dân và hệ sinh thái biển. Ông Ngọc đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần. Số tiền 5 tỷ này sẽ được ông Ngọc dùng để gia năng lực thu mua bằng cách đầu tư vào hệ thống lồng bè đồng thời triển khai nhân giống, nuôi mực trong môi trường tự nhiên.

Startup thu mua, vận chuyển 'mực nhảy' khiến Shark Bình và Shark Liên tranh nhau đầu tư - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Bá Ngọc giới thiệu dự án Mực nhảy Biển Đông trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Mô hình hoạt động của Mực nhảy Biển Đông là thu mua mực từ ngư dân và bán lại cho các hệ thống hải sản lớn tại các tỉnh thành hoặc bán lẻ cho khách hàng. Mực nhảy Biển Đông sử dụng xe tải có các bể chứa nước với môi trường mô phỏng theo môi trường thực tế (độ lạnh, độ mặn) như trước khi bắt mực lên. Bằng cách này, Mực nhảy Biển Đông có thể vận chuyển mực hoàn toàn tươi sống. Với công nghệ như hiện tại, ông Ngọc tự tin có thể vận chuyển mực sang Lào.

Theo ông Ngọc, trong khoảng một năm trở lại đây, Mực nhảy Biển Đông đã mang cung cấp ra thị trường 12 tấn sản phẩm, tương đương doanh thu 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đã mang lại giá trị cho những người ngư dân với số tiền 2 tỷ đồng. Ông Ngọc cũng tự tin khi nói rằng công nghệ vận chuyển mực mà Mực nhảy Biển Đông sở hữu có những điểm đặc biệt riêng mà ngay cả chuyên gia cũng chưa chắc đã nắm được.

Theo ông Ngọc, với cách đánh bắt hiện tại bằng thuốc nổ và khi kéo lưới ngư dân kéo cả cá con, ổ mực hay ổ cá, khoảng 5 năm nữa, tài nguyên hải sản ở biển sẽ cạn dần. Ngược lại, để có thể bắt được những con mực tươi sống như của Mực nhảy Biển Đông, ngư dân bắt buộc phải chuyển sang các cách khai thác bền vững hơn như câu hay dùng lưới đơn thuần.

Với cách đánh bắt truyền thống, ngư dân có thể bán mực ra thị trường với mức giá từ 80.000 đồng đến 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, Mực nhảy Biển Đông đang thu mua vào với mức giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, mực tươi sống cũng có trọng lượng lớn hơn mực đã chết. Trọng lượng cao hơn cộng với mức giá cao hơn của Mực nhảy Biển Đông đang giúp ngư dân có thể phụ trội thêm 175.000 đồng/kg mực, theo ông Ngọc.

Sau khi nghe phần trình bày, Shark Hưng tỏ ra hoài nghi về sản phẩm của Mực nhảy Biển Đông khi cho rằng các khách sạn hay nhà hàng lớn thường không dùng hải sản "đang bơi" vì lý do an toàn thực phẩm. Các đối tượng khách hàng này vẫn thường thích dùng hải sản đông lạnh bởi vì loại thực phẩm này đã qua kiểm định. Shark Hưng đồng thời nói rằng cách bảo quản của ngư dân Việt Nam vẫn còn khá thô sơ và điều này khiến hải sản mất đi phần lớn giá trị. 

Theo Shark Hưng, những gì Mực nhảy Biển Đông mang đến đang góp phần giải quyết vấn đề này song nó quá tốn kém và chưa hiệu quả. Ông khuyến nghị startup chuyển sang nghiên cứu giải pháp của người Nhật, trong đó có làm lạnh bằng sung từ trường (làm lạnh không đóng đá).

Ông Ngọc cũng chia sẻ hiện Mực nhảy Biển Đông cũng đang áp dụng các tủ cấp đông với nhiệt độ -35 độ C ở khoảng thời gian 1 tiếng. Theo Shark Hưng, khoảng thời gian này vẫn là quá dài và đủ để phá vỡ, phân huỷ cấu trúc của hải sản.

Trong khi đó, Shark Bình cũng cho rằng giấc mơ chinh phục các thị trường nước ngoài của Mực nhảy Biển Đông cũng là quá "lãng mạn" vì các lý do liên quan đến công nghệ và khoảng cách địa lý. Dù vậy, ông Ngọc vẫn khẳng định giấc mơ của ông với mực vẫn là rất lớn, trong đó có những tham vọng như ứng dụng mực trong sản phẩm y tế hay nhân giống mực, nuôi mực trong tự nhiên. Shark Bình cũng tỏ ra nghi ngờ khẳng định của ông Ngọc rằng trước đây chưa có người đưa được mực ra Sài Gòn ở dạng tươi sống do vẫn thấy có mặt hàng này ở một số nhà hàng.

Nói về thị trường, ông Ngọc nói rằng nếu có đủ tiềm lực Mực nhảy Biển Đông có thể khai thác được ở 50 ngư trường với năng suất khoảng 150 tấn mực/tháng. Ông Ngọc tin rằng sau ba năm nữa Mực nhảy Biển Đông có thể trở thành một doanh nghiệp nghìn tỷ. Hiện tại, ông Ngọc đang khai thác chủ yếu ở Vũng Tàu vì nguồn mực dồi dào, trong khi đó đó, Côn Đảo là khu vực có quỹ nước phù hợp cho việc nuôi và nhân giống mực.

Shark Liên đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đổi lấy 35% cổ phần với điều kiện ông Ngọc phải quay trở lại quê hương Miền Trung để khai thác và kinh doanh. Ngược lại, Shark Bình cho rằng ông Ngọc không nhất thiết phải quay trở lại quê hương, thay vào đó, ông Ngọc nên chọn địa điểm kinh doanh thuận lợi và tối ưu nhất cho việc phát triển doanh nghiệp. Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đổi lấy 35% cổ phần mà không cần bất kỳ điều kiện nào kèm theo. Shark Hưng, Shark Linh và Shark Phú lần lượt đưa ra quyết định không đầu tư.

Sau khi nghe offer của Shark Bình, Shark Liên đưa ra lời mời đầu tư 5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần. Bà cũng bỏ điều kiện ông Ngọc phải quay về Miền Trung. Tuy nhiên, ông Ngọc chỉ chấp nhận mức cổ phần 15% cho 5 tỷ và sau đó nâng lên 20%. Shark Liên không đồng ý. Cuối cùng, hai bên chấp thuận khoảng đầu tư 5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần.

Nam Khánh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.