Bị Shark Bình nhận xét còn non và xanh, chưa tìm thấy long mạch, startup về giáo dục vẫn chốt deal thành công với Shark Linh trên sóng Shark Tank
Đến với chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 14, ông Nguyễn Hà Minh Thông, CEO và founder của CTCP Social Revolution kêu gọi khoản đầu tư 4 tỷ đồng cho 25% cổ phần.
Ông Thông chia sẻ về một vấn đề mà trẻ em đang gặp phải hiện nay đó là gặp khó với các câu hỏi bài tập về nhà. Theo ông, phụ huynh không phải lúc nào cũng có đủ thời gian hay kiến thức để giảng dạy cho con em.
Vì vậy, ông Thông đã đem đến chương trình dự án Edubox với giải pháp giúp đỡ trẻ em trong việc giải đáp các thắc mắc và câu hỏi.
Về mô hình, ông chia sẻ rằng trẻ em có thể đặt câu hỏi trên ứng dụng hoặc trên trang web của công ty. Sau đó, các giáo viên đối tác của công ty sẽ giúp giải đáp các câu hỏi và thông báo cho phụ huynh về những mặt kiến thức mà con em của họ còn yếu.
Shark Hưng nhận xét rằng ý tưởng của founder tương đối hay, đồng thời cũng đưa ra thắc mắc về sự khác biệt giữa giải pháp của Edubox và mô hình gia sư truyền thống.
Ông Thông giải thích rằng Edubox là giải pháp đầu tiên giải đáp các thắc mắc và câu hỏi thông qua trang web và ứng dụng. Khi biết được điểm yếu, các em học sinh có thể lựa chọn học tiếp cùng các đội ngũ thầy cô của công ty với nhiều mức giá khác nhau tùy theo trình độ, ví dụ như 100.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/giờ.
Khi nhận được câu hỏi về tiêu chí lựa chọn giáo viên của Shark Liên, ông Thông cho biết trong giai đoạn một, công ty có hai hình thức xác nhận gồm dựa trên cơ sở pháp lý và trình độ.
Tuy nhiên, Shark Liên tiếp tục đặt ra thắc mắc về việc làm sao có thể kiểm soát chất lượng bởi hiện tại có rất nhiều hình thức bằng giả, điểm giả. Ông Thông trả lời rằng kế hoạch của công ty là sau khi nhận được vốn, các giáo viên sẽ đến làm việc và ký kết hợp đồng trực tiếp. Ngoài ra, công ty sẽ có những buổi đào tạo kỹ năng sư phạm.
Hiện tại, ông Thông cho biết Edubox có khoảng 18.000 người dùng, trong đó có khoảng 3.000 người là học sinh, còn lại là các gia sư đối tác. Tuy nhiên, số lượng người vượt qua vòng kiểm định chỉ là 3.
Thực tế, tiền thân của Edubox là một ứng dụng tìm kiếm gia sư về dạy offline, ông Thông cho biết. Đồng thời, kế hoạch của công ty có đủ 50.000 người dùng mới chuyển sang hình thức online.
Dù vậy, thời điểm ra mắt của ứng dụng vào tháng 7/2019. Sau thời gian hoạt động, đại dịch COVID-19 bùng phát và làm mảng offline của công ty gần như điêu đứng. Đó là lý do vì sao công ty chuyển đổi mô hình sang online trước mục tiêu đề ra.
Về phương thức thu tiền, ông Thông cho biết công ty đang sử dụng ví ngân lượng của Shark Bình. Đầu tiên, học sinh sẽ nạp tiền vào ví. Nếu xác định tiếp tục học cùng các giáo viên, số tiền sẽ được trừ thẳng từ ví của học sinh và được cộng trực tiếp cho các giáo viên.
Edubox của ông Thông hiện đã có chức năng thu phí và công ty đang đặt mức phí 30% cho một giao dịch.
Về doanh thu, ông Thông cho biết công ty đạt khoảng 40 triệu đồng cho một vài tháng. Ngoài ra, ông giải thích thêm rằng khi nhận lớp lần đầu tiên, giáo viên sẽ được miễn phí. Với lần thứ hai và lần thứ ba, mức phí được áp dụng lần lượt là 10% và 20%. Tổng GMV (giá trị giao dịch) của công ty hiện đạt khoảng 4.000 USD.
Đối với khoản gọi vốn 4 tỷ đồng, ông Thông dự định sẽ dùng để thiết lập trang web kết nối với ứng dụng, trong đó bao gồm việc nâng cấp giao diện, chuẩn bị server chịu tải khi có nhiều người học cùng lúc và marketing.
Nhận được câu hỏi về các khoản đầu tư cho công ty, ông Thông cho biết trước đó Edubox đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu đồng cho 5% từ một nhà đầu tư thiên thần. Bản thân ông và các cộng sự cũng đã góp khoảng 1 tỷ đồng cho công ty.
Shark Bình nhận xét việc tìm đầu vào (giáo viên) cho công ty không phải là quá khó mà việc tìm kiếm đầu ra (học sinh, khách hàng) mới là điều đáng nói. Về vấn đề này, ông Thông chia sẻ rằng đây là lý do để ông và Edubox lên tham gia Shark Tank Việt Nam.
Cho rằng để trở thành một giáo viên hoặc gia sư cần được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp, cùng với đó là những câu chuyện về giáo dục đang tràn lan trên mạng, Shark Liên quyết định không đầu tư.
Trái lại, Shark Linh chia sẻ rằng gia sư không nhất thiết phải dựa trên các bằng cấp. Đồng thời, Shark Linh cũng đưa ra một số lời khuyên cho Edubox, startup trong giai đoạn còn khá trẻ rằng nên tạo dựng công nghệ hợp lý và tìm người để giúp thu hút những khách hàng đó. Vì vậy, Shark Linh đưa ra đề nghị 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần.
Shark Hưng cho rằng cuộc đua trong lĩnh vực của Edubox khá tốn kém và mang nhiều yếu tố công nghệ nên quyết định không đầu tư. Shark Phú cũng chia sẻ rằng bản thân không am hiểu về lĩnh vực này nên quyết định không đầu tư.
Trong khi đó, Shark Bình nhận xét mô hình của ông Thông còn "non và xanh", gần như chưa có kết quả; chưa tìm thấy long mạch và chưa có gió đông làm bệ phóng. Tuy nhiên, Shark Bình vẫn đưa ra lời đề nghị 4 tỷ đồng cho 70% cổ phần dựa trên mô hình đầu tư Ventures Build.
Sau thời gian suy nghĩ, ông Thông cùng Edubox quyết định lựa chọn deal 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần của Shark Linh, kết thúc cuộc gọi vốn thành công.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/