|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ý tưởng kinh doanh: Một hãng dược phẩm nghiên cứu vắc xin COVID-19 từ cây thuốc lá

08:11 | 20/01/2022
Chia sẻ
Nỗ lực chủ động nghiên cứu vắc xin đầu tiên từ thực vật của Thái Lan đã xuất hiện với ý tưởng của một trong những startup dược phẩm hàng đầu đất nước.

Công ty startup dược phẩm Baiya Phytopharm của Thái Lan mới đây đã chia sẻ về tham vọng phát triển vắc xin chống lại virus COVID-19 từ lá của cây thuốc lá. Công ty khởi nghiệp này được thành lập bởi Tiến sĩ Suthira Taychakhoonavudh và Tiến sĩ Waranyoo Phoolcharoen từ năm 2018 và cho đến nay, họ cũng đã những trải nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về vắc xin có nguồn gốc từ lá thực vật tại một nhà máy thuốc lá Úc.

Suthira, một giảng viên 37 tuổi tại Đại học Chulalongkorn đã có chia sẻ với CNBC rằng cô và nhóm các nhà khoa học của công ty Baiya Phytopharm muốn "tạo ra sự khác biệt" trong việc thay đổi Thái Lan từ một nhà nhập khẩu vắc xin thành đất nước có năng lực sản xuất và cung cấp vắc xin.

Startup Thái Lan nghiên cứu vắc-xin Covid-19 từ lá cây thuốc lá - Ảnh 1.

Startup dược phẩm Thái Lan thử nghiệm vắc xin tạo từ lá của cây thuốc lá. (Nguồn: Chula.ac)

Cho đến nay, Baiya là startup đầu tiên và cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Thái Lan tham gia vào trung tâm đổi mới CU của trường đại học. Đây là một trung tâm nghiên cứu khởi động, phát triển công nghệ để sản xuất các protein tái tổ hợp có thể sản xuất thuốc và vắc xin.

Công ty khởi nghiệp ba năm tuổi này đã nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ các cựu sinh viên Đại học Chulalongkorn và Chính phủ Thái Lan. Startup cũng huy động thành công khoảng 3 triệu USD vốn nghiên cứu theo phương pháp khác. 

Tính đến hiện nay, công ty đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm trên con người với vắc xin chống COVID-19 dựa trên thực vật (được tiến hành từ tháng 12 năm ngoái). 

Cho dù xét trên phạm vi toàn thế giới thì từ khi đại dịch bùng nổ vẫn chưa có bất kỳ vắc xin Covid nào dựa trên thực vật ra đời.

"Cho đến nay, những gì chúng ta biết là ... tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm loại vắc xin mới đều an toàn. Và nhìn vào hồ sơ an toàn, chúng tôi rất hài lòng với nó", nhà nghiên cứu Suthira nói.

Startup Thái Lan nghiên cứu vắc-xin Covid-19 từ lá cây thuốc lá - Ảnh 2.

Thử nghiệm vắc xin lần 1 cho kết quả khả quan. (Nguồn: Sky News)

Cô cũng bổ sung thêm rằng vẫn còn quá sớm để xác định tỷ lệ hiệu quả của nó, nhưng mục tiêu ban đầu của công ty vẫn là vắc xin an toàn và trước hết là có tác dụng (có thể nâng cao hiệu quả phòng ngừa dựa theo nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo).

Startup dược phẩm cho biết họ hy vọng các thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào tháng 2/2022 và thêm một giai đoạn thử nghiệm nữa trong tháng 6 năm nay. Công ty cũng hy vọng sẽ gửi dữ liệu cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan để phê duyệt vắc xin vào quý thứ III hoặc thứ IV trong năm nay.

Trong một tuyên bố đáng tin cậy của mình, ban giám đốc của startup cho biết một khi giấy phép được phê duyệt, công ty có thể nhanh chóng gia tăng năng lực sản xuất để phân bổ vắc xin kịp thời.

"Hiện tại, các cơ sở của chúng tôi có thể sản xuất khoảng 5 triệu liều vắc xin mỗi tháng, nghĩa là khoảng 60 triệu liều vắc xin mỗi năm", Suthira nói. Cô cũng khẳng định rằng cơ sở sản xuất sẽ có khả năng tạo ra số lượng liều vắc xin đủ cho người dân Thái Lan cũng như phân phối cho khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Starup Baiya muốn chứng minh rằng Thái Lan có thể "phát minh ra vắc xin mới và thuốc mới để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng của chính mình", cô nói. Công ty đang sử dụng cùng một nhà máy thuốc lá để phát triển thuốc chống ung thư và các phương pháp điều trị chống lão hóa.

Kể từ khi khởi nghiệp, Baiya vẫn chưa thu được lợi nhuận nhưng Suthira cho biết mục tiêu của những người sáng lập không phải là để tối đa hóa lợi nhuận mà là xây dựng một ngành nghiên cứu đáng tin cậy ở Thái Lan, từ đó thu hút tài năng từ thế hệ tiếp theo.

"Và chúng tôi muốn tạo ra các sản phẩm dược phẩm tự sản xuất, những sản phẩm hiệu quả với giá cả phải chăng không chỉ dành cho người Thái mà còn dành cho tất cả những người dùng khó có điều kiện tiếp cận y tế", Suthira nhấn mạnh.

Thu Phương