Bị nhận xét là bản sao của webtretho, startup sở hữu ứng dụng dành cho thú cưng, mục tiêu 100 triệu người dùng, ra về tay trắng tại Shark Tank
Trong tập 13 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", xuất hiện với một chú mèo trên tay, CEO Founder Thúy Trần của Pety giới thiệu một ứng dụng dành cho cộng đồng người yêu thú cưng.
CEO Pety chia sẻ có rất nhiều chó mèo bị bỏ rơi và nếu may mắn thì chúng sẽ được người tốt nhận nuôi, chăm sóc. Ngược lại, đen đủi thì sẽ bị bắt vào các lò giết mổ. Mỗi năm có khoảng 6 triệu chó mèo bị làm thịt tại Việt Nam.
Từ những trải nghiệm bản thân, bà Thúy Trần đã thành lập Pety với mong muốn tạo ra một ứng dụng nâng cao, thay đổi nhận thức của người nuỗi thú cưng. Pety đến Shark Tank gọi vốn với 100.000 USD cho 8%.
Pety là gì?
Pety là một nền tảng dành cho thú cưng. Mỗi thú cưng tại đây sẽ có profile về giống loài riêng, tên tuổi và cả hồ sơ sức khỏe online. Từ thông tin đó, Pety có thể điều chỉnh những thông điệp, sản phẩm riêng với từng bé thú cưng. Hiện Pety đã có khoảng 30.000 người dùng và 12.000 profile thú cưng.
Về sự khác biệt giữa Pety và các cộng đồng khác trên Facebook, nữ CEO cho hay Facebook chỉ có thể giải quyết mối quan hệ giữa người với người, đó là profile của chủ nuôi còn ở Pety là profile dành cho thú cưng. "Chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ tìm thú cưng bị lạc", CEO Pety chia sẻ.
Pety cho biết ở Việt Nam, số người nuôi thú cưng đạt tới 23 triệu người trong khi trên khu vực Đông Nam Á có 600 triệu người. Và trong ba năm tới, startup tham vọng sẽ chinh phục được thị trường Việt Nam và đi ra thế giới.
Ông Đào Ngọc Giang, Co-Founder kiêm CTO của Pety, xuất hiện cùng bà Thuý Trần bày tỏ tham vọng có được 100 triệu người dùng ở khoảng 50 quốc gia khác nhau.
Mô hình kiếm tiền của Pety
Những tháng đầu tiên doanh thu Pety là 10 triệu, tuy nhiên tháng gần nhất con số này đã đạt 270 triệu đồng, đến từ các gói tư vấn marketing cho các nhãn hàng đồ ăn thú cưng.
Doanh thu hiện tại của Pety chủ yếu đến từ bán lẻ đồ ăn cho thú cưng, trở thành nhà phân phối online của các nhãn hàng lớn. Ngoài ra, phần khác đến từ quảng cáo, truyền thông trên mạng xã hội, bán banner và đánh giá thị trường.
Hiện mật độ duy trì trên ứng dụng Pety là khoảng 35% trong 7 ngày. Trung bình 15 phút hoạt động trên trang. Pety hiện đang bắt tay với khoảng 20 đối tác quảng cáo và Pety đã bắt đầu gói quảng cáo từ đầu năm, doanh thu tháng gần nhất đạt hơn 270 triệu do ký được một số hợp đồng lớn.
Bà Thúy Trần nhận định người dùng chi ít nhất một triệu đồng để mua sắm sản phẩm cho thú cưng. Với 200.000 người dùng mục tiêu trong năm nay, CEO Pety kỳ vọng có thể chuyển được 5% trong số đó trở thành khách hàng tiềm năng, tương đương với 10.000 người. Pety đã có kế hoạch ra mắt thêm tính năng đặt dịch vụ dành cho chó mèo vào đầu tháng 6.
Startup cũng để ngỏ khả năng ra mắt sàn thương mại điện tử dành cho chó mèo. Theo nhận định, doanh số ngành này nó không hề nhỏ. Riêng Việt Nam đã là 500 triệu USD, và ngành chăm sóc thú cưng toàn cầu là 252 tỷ USD, tăng trưởng bất chấp COVID-19 trong năm vừa rồi.
Về cách thu hút người dùng, sáng lập Pety cho hay đến nay hầu hết đều là lượng người dùng tự nhiên. Trước khi khởi nghiệp, CEO Pety đã dành hẳn một năm để viết blog nội dung về thú cưng và khi sản phẩm được ra mắt thì đó chính là nguồn giúp Pety tiếp cận được người dùng.
Ngoài ra, Pety cũng tạo thêm nhóm trên Facebook, tổ chức minigame nhằm kéo người dùng sang sử dụng ứng dụng. Tốc độ tăng trưởng người dùng trung bình của Pety là 31%.
"Bản sao" của webtretho?
Ông Đào Ngọc Giang cho biết Pety sẽ sử dụng 100.000 USD gọi vốn được từ Shark Tank cộng với khoản đầu tư trước đó để đạt mục tiêu có lợi nhuận vào quý III/2023. Trong đó, Pety sẽ dùng 35% cho chi phí marketing và phần còn lại dành cho việc xây dựng đội ngũ nhân sự.
Shark Linh nhận xét tốc độ tăng trưởng như thế là quá chậm. "Khi mình gọi vốn trong một vòng thì mình chỉ dùng tối đa trong một năm thôi. Tăng trưởng 35% cho doanh thu, lợi nhuận thì nó đủ nhưng với người dùng thì quá chậm", Shark Linh nói.
Cho rằng nhân sự của mình vẫn đang vận hành tốt và đi nhanh sau một năm vừa qua, bà Thúy Trần nhận định marketing đang chạy khá tốt. Vì không đủ tiền cho chi phí quảng cáo Facebook, Google nên Pety sử dụng các game viral và game invitation qua ứng dụng Messenger.
"Nếu là các startup công nghệ thì các bạn có yếu tố gì hay ho, có gì 4.0 ở đây không?" Shark Hưng đặt câu hỏi. Ông Đào Ngọc Giang cho biết bản thân là người học về trí tuệ nhân tạo và chính Pety đang làm trí tuệ nhân tạo từ những bước nhỏ nhất. Theo ông Giang, startup đang thực hiện hai việc.
Theo ông Giang, khi mà người dùng đăng tải hình ảnh không tốt, ứng dụng sẽ có thể hoàn thiện chất lượng bức ảnh đó, làm rõ nét hơn. Thứ hai, Pety đang cố gắng nhân cách hóa ứng dụng của mình. Với thông tin và hình ảnh của thú cưng, Pety có thể nhận biết vấn đề của con vật và mang tới những nội dung mà người chủ cần.
Shark Liên và Shark Phú không hào hứng với lĩnh vực về thú cưng nên quyết định từ chối đầu tư. Cũng cho rằng Pety không hợp với khẩu vị đầu tư nên Shark Bình từ chối đầu tư. Ngoài ra, Shark Bình cho rằng làm mạng xã hội rất là tốn kém và khó dự đoán thời hạn đạt được mục tiêu.
"Thực ra, tôi góp ý thêm, mô hình kinh doanh của bạn là thị trường ngách của mô hình cộng đồng dành cho phụ nữ trước đây và vẫn đang còn tồn tại là webtretho. Thay vì làm ứng dung thì họ lập diễn đàn.
Song song với đó họ khai thác các sàn thương mại điện tử để bán trên đó. So với cộng đồng thú cưng thì cộng đồng phũ nữ lớn hơn rất là nhiều nhưng thực tế là họ đã toang. Các bạn muốn kiến tạo tương lai thì phải học được bài học từ lịch sử đã", Shark Bình nói.
Shark Linh nhận thấy startup không chứng tỏ được khả năng tìm kiếm người dùng và mang lại lợi nhuận nên quyết định từ chối đầu tư. Trong khi đó, Shark Hưng cho rằng Pety có tiềm năng nhưng ông không thể đưa ra mức giá downround nên vị các mập từ chối đầu tư. Shark Hưng khuyên Pety nên thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển dòng tiền khác thay vì quảng cáo.