|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gọi vốn thất bại trên Shark Tank, CEO JOOLUX lên tiếng thừa nhận mô hình không mới, thị trường cạnh tranh khốc liệt với đội quân bán hàng online

07:18 | 22/07/2021
Chia sẻ
Dù thất bại trong việc gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam, CEO JOOLUX vẫn tự tin vào mô hình kinh doanh mà mình theo đuổi.

Trong tập 12 Shark Tank Việt Nam mùa 4, có sự xuất hiện của startup JOOLUX do ông Tạ Xuân Hiền làm CEO Founder, đây là startup mang đến giải pháp ký gửi, kinh doanh sản phẩm hàng hiệu đã qua sử dụng. Tuy nhiên, tại bể cá mập, ông Hiền đã thất bại khi kêu gọi số vốn 300.000 USD cho 10% cổ phần công ty do không tìm được tiếng nói chung với các nhà đầu tư.

Sau chương trình, startup đã nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc về tiềm năng của thị trường cũng như mô hình kinh doanh của JOOLUX có là một giải pháp mới không. Và mới đây, ông Tạ Xuân Hiền đã có những chia sẻ nhằm giải đáp thắc mắc của nhiều người.

Mô hình không mới, thị trường cạnh tranh khốc liệt với đội quân bán hàng online, CEO JOOLUX nói gì sau khi lên sóng Shark Tank? - Ảnh 1.

CEO Tạ Xuân Hiền của JOOLUX. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo ông Hiền, về cơ bản hàng hiệu mới sau khi mua về dùng sẽ trở thành hàng hiệu đã qua sử dụng. Một báo cáo của BCG cho biết thị trường hàng hiệu tiêu dùng mới toàn cầu năm 2019 là 334 tỷ USD và giảm xuống 258 tỷ USD vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong cái khó, thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng lại nổi lên, doanh thu tăng từ 31 tỷ (2019) lên 33 tỷ (2020). Điều đó cũng cho thấy rằng có rất nhiều đồ trong tủ đồ người tiêu dùng chưa được tận dụng và gây ra lãng phí. Ông Hiền nhận định đó là nguồn cung hàng hiệu rất lớn. Ngoài ra, 10% thị trường được khai phá chủ yếu nằm ở Mỹ, châu Âu, Nhật, và Trung Quốc - những nơi thị trường hàng hiệu lớn và lâu đời.

Để chứng minh cho tiềm năng của thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng, ông Hiền lấy thêm ví dụ về các kỳ lân trong lĩnh vực này như The Real Real, StockX, Vestiatirre Collective cùng một số startup đang phát triển mạnh của Trung Quốc như Plum, Secoo.

"Thập kỷ 202x được đánh giá là thập kỷ của thị trường hàng hiệu châu Á. Đặc biệt là các thị trường đang lên ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thị trường hàng hiệu tiêu dùng của Việt Nam rơi vào khoảng 1,1 tỷ USD", ông Hiền lấy dẫn chứng số liệu của Statista.

Về đối tượng khác hàng, ông Hiền cho rằng chủ yếu nằm ở tầng lớp trung lưu, nhưỡng người có nhu cầu tiếp cận thị trường hàng hiệu dễ dàng hơn và tiêu dùng thông minh hơn. Đặc biệt là giới trẻ - thế hệ Millenial và Gen Z - những người sống thực tế và rất quan tâm đến môi trường. 

Theo Statista, Việt Nam có khoảng 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ gia tăng hàng đầu Đông Nam Á và trên 60 triệu người là người trẻ (tuổi từ 18 - 35). Việt Nam cũng được đánh giá nước có nhu cầu về hàng hiệu hàng đầu trong khu vực.

Nói về mô hình kinh doanh, CEO JOOLUX cho rằng ngành công nghiệp hàng hiệu vốn rất truyền thống, các giao dịch phần lớn qua các cửa hàng. Từ 10 năm trở lại đây, mô hình kinh doanh trực tuyến hàng hiệu đã qua sử dụng mới bắt đầu nhưng chưa mạnh.

Theo ông Hiền, dù là một thị trường mới nhưng 80% hàng hiệu đã qua sử dụng được bán qua các kênh online. JOOLUX cũng vận hành chủ yếu qua các nền tảng số và kết hợp mô hình O2O gồn showroom và các shop in shop làm nơi tiếp nhận sản phẩm để tăng sự tiện lợi, trải nghiệm khách hàng.

"Joolux phát triển và ứng dụng công nghệ kiểm định cũng là một nỗ lực để thay đổi sự truyền thống về kiểm định hàng hiệu chủ yếu dựa vào con người. Và tiến tới là tham vọng số hoá thông tin của toàn bộ sản phẩm qua Joolux. Tất cả nỗi lực này nhằm thay đổi các cách làm truyền thống của ngành hàng hiệu và cuối cùng là chỉ để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng", ông Hiền chia sẻ.

CEO JOOLUX cũng thừa nhận mô hình kinh doanh này không hề mới và có rất nhiều kỳ lân đã xuất hiện trong ngành này. Theo ông Hiền, ý tưởng ai cũng có thể nghĩ được và cũng dễ copy và hiện ở Việt Nam có rất nhiều người bán hàng online. 

"Nhưng để phá được tảng băng thị trường kia thì sẽ cần một sự chính thống, quan trọng vẫn là sự dám bắt đầu, và khả năng thực thi thôi. JOOLUX không coi trọng đến cạnh tranh, chủ yếu tập trung xây dựng các năng lực nội tại như năng lực vận hành, kiểm định, spa sửa chữa hàng hiệu,... để mang đến nhiều giá trị nhất cho khách hàng", ông Hiền chia sẻ. 

Dù thất bại trong việc gọi vốn nhưng CEO JOOLUX cho biết giá trị sau khi đến với Shark Tank Việt Nam là sự ủng hộ của khánh hàng. Ông cho rằng người quyết định đến thành công của startup chính là khách hàng.

Vượng Phát