Gần 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, startup đem các sản phẩm từ lạc lên sóng Shark Tank chốt deal thành công với Shark Phú và Shark Liên
Lên sóng truyền hình Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 13, ông Đỗ Hồng Quân, founder và CEO CTCP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam kêu gọi khoản đầu tư trị giá 10 tỷ đồng cho 15% cổ phần Dầu lạc Tâm Trường Sinh.
Theo ông Quân, công ty đang sở hữu quy trình sản xuất lạc hữu cơ khép kín bao gồm sản xuất lạc giống, sản xuất máy nông nghiệp và chế biến dầu thương hiệu Tâm Trường Sinh.
Ngoài ra, quy trình của công ty cũng được đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Khoa học Công nghệ giao cho các chương trình nhằm chuyển giao về từng địa phương.
Công ty của ông Quân được thành lập từ tháng 7/2012. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng doanh thu đạt trên 41 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 11,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 16% đến 45% tùy theo từng loại sản phẩm.
Ông Quân chia sẻ định hướng của doanh nghiệp tới năm 2025 là trở thành công ty đứng đầu trong việc sản xuất các sản phẩm từ lạc, có quy mô diện tích trên 1.000 ha, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 25% đến 30%, mức độ tăng trưởng khoảng 30% - 35%/năm.
Trả lời câu hỏi về diện tích trồng của Shark Hưng, ông Quân cho biết tính đến hiện tại, công ty đã trồng được gần 60 ha, tập trung chính tại tỉnh Nam Định và tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, các khu được tách độc lập khỏi những khu vực giống cây trồng khác.
Theo ông Quân, các vùng được trồng sẽ mất khoảng 3 năm để cải tạo đất. Quy trình của doanh nghiệp hiện nay là tập trung ruộng đất của người dân, thay vì trước đây là nhà nào sản xuất nhà đấy.
Bên cạnh đó, ông Quân cũng giải đáp thắc mắc của Shark Hưng về việc tại sao chỉ có vài chục ha đất mà doanh nghiệp cũng phải đi mua gom rằng nguyên tắc của công ty là giữ lại đất cho người dân và cùng khai thác. Ngoài ra, cách này cũng sẽ giúp người dân tận dụng được sức lao động nhờ vào việc sử dụng trang thiết bị máy móc.
Dựa trên sức người, một ngày một người ở ngoài Bắc chỉ bỏ hạt được khoảng 200 đến 300 m2. Trong khi đó, khi sử dụng máy móc thiết bị của công ty, một ngày hai người sẽ làm được khoảng 2 ha. Ông Quân chia sẻ rằng việc này đã giúp người dân giảm bớt chi phí từ 20% đến 30%.
Nhận được câu hỏi về thị trường của Shark Liên, ông Quân cho biết các sản phẩm được làm từ lạc của công ty đã được bán ra thị trường, đặc biệt có xuất khẩu sang thị trường Nga và Hàn Quốc.
Sau khi Shark Phú đặt câu hỏi về tỷ trọng của doanh nghiệp, ông Quân trả lời rằng khoản doanh thu từ việc bán máy chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 6 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi đó doanh thu từ việc bán dầu ăn đạt hơn 1 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của ông Quân, chỉ tính riêng tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2020 đã giảm khoảng 8.000 ha lạc, do đó ông cùng các đồng nghiệp mong muốn cải thiện tình hình.
Ngoài ra, ông cũng cho biết Việt Nam là nước sản xuất lạc đứng thứ 30 trên toàn thế giới với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm nhưng vẫn phải nhập khẩu khoảng 260.000 tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu đối với thị trường lạc trên thế giới đang ở mức cao, ví dụ như tại Ấn Độ, nước chiếm 18% thị phần lạc trên toàn thế giới, giá lạc trong năm 2020 đã tăng từ 107.000 rupee lên 153.000 rupee.
Shark Phú tiếp tục đặt câu hỏi về bức tranh tài chính tổng thể của doanh nghiệp. Ông Quân trả lời rằng tổng tiền mặt còn hơn 1 tỷ đồng, tổng tài sản còn định khoảng 16 tỷ đồng, khoản phải thu hơn 2 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 22 tỷ đồng.
Cho rằng có sự tương đồng trong xuất thân cũng như sản phẩm mang nhiều ý nghĩa, Shark Liên đã đưa ra lời đề nghị 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần kèm theo lời hứa hẹn sẽ giúp đưa sản phẩm của ông Quân sang thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, Shark Phú cho biết bản thân không có nhiều kiến thức về lĩnh vực các sản phẩm từ lạc nhưng vẫn đưa ra lời đề nghị 10 tỷ đồng cho 30% cổ phần dựa trên số liệu mà ông Quân đưa ra.
Mặc dù có những nhận xét tương đối tích cực về doanh nghiệp cũng như sản phẩm của ông Quân nhưng Shark Hưng sau đó đã quyết định không đầu tư. Shark Linh cũng quyết định không đầu tư do không có nhiều kiến thức về nông nghiệp và cũng không có sẵn các chuỗi để phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, Shark Bình đưa ra góp ý thẳng thắn rằng khâu làm thương hiệu của doanh nghiệp đang tương đối kém. Ngoài ra, Shark Bình cho biết không thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số nên quyết định từ chối đầu tư.
Ông Quân mong muốn có sự kết hợp giữa cả Shark Phú và Shark Liên. Do đó, cả hai Shark đã đưa ra lời đề nghị 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần.
Dầu lạc Tâm Trường Sinh tiếp tục đưa ra lời hai lời đề nghị đầu tư khác, lần lượt 20 tỷ đồng cho 30% cổ phần và 10 tỷ đồng cho 30% cổ phần với sự tham gia của hai Shark.
Dù vậy, hai Shark quyết định không thay đổi lời đề nghị. Cuối cùng, ông Quân đồng ý với lời đề nghị đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần của Shark Liên và Shark Phú.