|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup mang giải pháp hàng hải 'chưa từng có' tới Shark Tank, khiến Shark Hưng phải rút tiền đầu tư ngay trên sóng truyền hình

07:49 | 26/07/2021
Chia sẻ
Mang giải pháp quản lý xếp, dỡ container trên tàu vận chuyển, startup Thế giới số đã nhận được lời đề nghị đầu tư từ Shark Hưng.

Trong tập 13 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", ông Nguyễn Phú Hoà, CEO và người đồng sáng lập Công ty TNHH Thế giới số, đã đem đến một hệ thống quản lý vận tải tàu container.

Ông Hoà là một sinh viên ngành hàng hải và lớn lên trong gia đình cũng có bố làm nghề thuyền trưởng. Sau khi ra trường vào năm 2010, ông Hoà được trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM giữ lại làm giảng viên và hiện ông đang công tác tại Viện Hàng hải.

Hệ thống của Thế giới số có thể đáp ứng nhiều chức năng khác nhau như quản lý thông tin xếp/dỡ container tại cảng, trên tàu; quản lý lịch sử khai thác, số lượng container của từng tàu tại cảng theo thời gian thực; quản lý được sơ đồ xếp/dỡ container của tàu tại cảng; quản lý trạng thái ổn định của tài container tại cảng theo thời gian thực; quản lý hồ sơ kỹ thuật của tàu và cảnh báo trạng thái mất ổn định khi xếp/dỡ container theo thời gian thực.

Startup giải pháp hàng hải 'chưa từng có' nhận cú gật đầu của Shark Hưng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Hoà, CEO và người đồng sáng lập Công ty TNHH Thế giới số, giới thiệu giải pháp trên sóng truyền hình. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo chia sẻ của ông Hoà, cuối năm 2017, công ty Thế giới số nhận được đề nghị đặt hàng từ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để xây dựng một phần mềm nhằm đảm bảo tính an toàn cho việc xếp/dỡ container. 

Thời điểm đó, phần mềm của Thế giới số chỉ chạy trên từng con tàu và chỉ có người thuyền trưởng, thông qua chiếc máy tính bảng, mới cập nhật được tình trạng xếp/dỡ theo thời gian thực. Sau khi xếp, dỡ xong, thuyền trưởng xuất ra được một sơ đồ container để gửi cho ban điều hành và chính quyền cảng.

Đến năm 2018, Thế giới số nâng cấp phần mềm và đưa phần mềm vận hành quản lý tập trung lên điện toán đám mây. Bằng cách này, thuyền trưởng, chính quyền cảng, ban điều hành và thậm chí cả chủ tàu có thể cập nhật được cùng lúc các thông tin liên quan đến tình trạng container trên tàu. Đến chương trình, Thế giới số muốn kêu gọi 5 tỷ đồng để đổi lấy 10% cổ phần.

Mặc dù được Tân Cảng Sài Gòn đặt hàng song ông Hoà cho biết giải pháp phần mềm vẫn thuộc quyền sở hữu của công ty. Mô hình kinh doanh của Thế giới số sẽ thu tiền từ chủ tàu và dựa trên số lượng container xử lý (cụ thể là 5.000 đồng/lượt container).

Sau nhiều năm làm việc trong ngành hàng hải, ông nhận ra vấn đề của các phần mềm quản lý container là đầu tiên cần phải có một công thức hiệu quả và phù hợp. Sau đó, đội ngũ công nghệ thông tin cũng cần hiểu về hàng hải để có thể số hoá được công thức đó. Thế giới số ra đời để giải quyết hai vấn đề này.

Ông Hoà nói thêm rằng, hiện tại, ở Việt Nam, với những tàu container thuỷ nội địa, các thuyền trưởng đều gần như xếp container theo kinh nghiệm và chưa có phần mềm hỗ trợ. Phần mềm Thế giới số hiện tại thực hiện ba bước: số hoá toàn bộ hồ sơ kỹ thuật của tàu, đưa vào danh sách container và xuất ra các phương án sắp xếp tối ưu nhất. Dù vậy, phần mềm chỉ hoạt động chính xác khi các thông tin đầu vào như trọng lượng container phải chính xác. 

Sau khi nghe trình bày, Shark Bình cho rằng việc phát triển một giải pháp như của Thế giới số là không khó. Theo Shark Bình, điểm khó nhất của startup nằm này ở tiếp cận thị trường.

Đáp lại câu hỏi này, ông Hoà nói rằng sở dĩ khách hàng sẵn sàng tiền cho Thế giới số vì giải pháp này có nhiều phân quyền cùng nhiều chức năng khác nhau. Số tiền startup này kêu gọi cũng để phát triển các sản phẩm phần cứng hỗ trợ cho phần mềm, ví dụ như cảm biến đo hướng gió, tác động gió, đo độ nghiêng của tàu. Ông Hoà khẳng định các sản phẩm mà Thế giới số cung cấp chưa từng có trên thị trường.

Khi nhận thấy Shark Linh hoài nghi về độ lớn của thị trường, ông Hoà cho rằng càng áp dụng công nghệ thì ngành hàng hải càng phát triển. Vì thế, ông khẳng định hiện Thế giới số đang không có sự cạnh tranh với vai trò là người tiên phong. 

Ông Hoà muốn sản phẩm của mình tập trung vào thị trường ngách của tàu container thuỷ nội địa tại cả các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Malaysia hay Campuchia. Hiện tại, Thế giới số chưa có doanh số song startup này tự tin có thể có doanh số ít nhất 75 tỷ đồng một năm, tương đương một nửa thị trường khả dụng mà nó đang nhắm tới.

Shark Phú là người đầu tiên đưa ra quyết định không đầu tư vì cho rằng công ty chưa cần thêm vốn do đã phát triển hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, ông không có kinh nghiệm ở mảng này. Shark Liên cũng cho rằng mảng thị trường là không lớn, vì thế bà không đầu tư.

Shark Linh không đầu tư do không có chuyên môn ở mảng hàng hải. Ngoài ra, bà cũng cho rằng cần tìm hiểu lại vấn đề có hay không nhu cầu thị trường ở mảng kinh doanh này khi Thế giới số tự hào "chưa có ai tham gia". Shark Bình là Shark thứ thứ 4 không đầu tư vì cho rằng startup chưa có kế hoạch kinh doanh rõ ràng trong khi đó cũng không có sự khác biệt, tính độc quyền rõ rệt.

Shark Hưng đưa ra quan điểm trái ngược với Shark Bình khi cho rằng Thế giới số là sản phẩm chuyên ngành nên sẽ ít đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, dòng tiền của Thế giới số sẽ tương đối ổn định do doanh thu cũng gần như là lợi nhuận. 

Dù vậy, mô hình kinh doanh của Thế giới số cần phải được điều chỉnh. Do chưa có doanh số, Shark Hưng nhìn nhận đây sẽ là thương vụ đầu tư mang tính hợp tác, cùng phát triển giải pháp. Ông đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 45% cổ phần. Ông Hoà đồng ý với lời đề nghị này.

Nam Khánh