|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trường phái Chicago (Chicago School In Sociology) về xã hội học đô thị là gì?

09:25 | 03/10/2019
Chia sẻ
Trường phái Chicago (tiếng Anh: Chicago School In Sociology) là một trường phái xã hội học gắn liền với Trường đại học Chicago (Mỹ) trong suốt nửa đầu của thế kỉ XX.
eae32f97531c30d0dac1c1bf03434e45

Hình minh họa (Nguồn: Pinterest)

Trường phái Chicago (Chicago School In Sociology)

Trường phái Chicago - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Chicago School In Sociology.

Trường phái Chicago là một trường phái xã hội học gắn liền với Trường đại học Chicago (Mỹ) trong suốt nửa đầu của thế kỉ XX, thống trị xã hội học Bắc Mỹ suốt thời kì này. Trường phái Chicago nhấn mạnh vào cơ cấu dân số và sinh thái học của các đô thị, vào tình trạng xã hội thiếu tổ chức, những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh cũng như trạng thái tâm lí xã hội của dân cư đô thị. (Theo Giáo trình Xã hội học Đô thị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)

Quá trình hình thành của trường phái Chicago

Sở dĩ Chicago trở thành một địa bàn tự nhiên, một "phòng thí nghiệm" để phát triển môn Xã hội học Đô thị ở Mỹ vào đầu thế kỉ XX là do lúc ấy thành phố Chicago đang mở rộng và phát triển rất nhanh trên một vùng đất nông nghiệp rộng lớn.

Cư dân ở thành phố này không thuần nhất. Nhiều vấn đề xã hội nổi lên như: dân nhập cư, tội phạm và sự lệch chuẩn, sự phân li không gian xã hội của thành phố phản ánh quan hệ giữa tổ chức không gian và tổ chức xã hội.

Tính phức tạp đa dạng của đô thị và những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết đã thúc đẩy Robert Park và các đồng nghiệp của ông ở trường đại học Chicago nghiên cứu khảo sát, tìm hiểu về các quá trình xã hội và biến đổi xã hội đang diễn ra ở đây.

Năm 1916, R.Park đã xuất bản chuyên luận nhan đề: "Thành thị" (The City), trong đó ông đã phát biểu cả một chương trình nghiên cứu đô thị mà trên thực tế đã có tác động định hướng cho nhiều hoạt động nghiên cứu triển khai sau này. 

Nội dung nghiên cứu của trường phái Chicago

Các chủ đề nghiên cứu chính mà Park đưa ra ở đây là: nguồn gốc của dân cư đô thị; sự phân bố dân cư thành thị trên địa bàn; sự thích ứng của các nhóm xã hội để hòa nhập vào xã hội đô thị hiện đại, những thay đổi trong đời sống gia đình, trong các thiết chế giáo dục, tín ngưỡng; vai trò của báo chí trong công luận và dẫn dắt tình cảm của công chúng đô thị...

Thông qua các nghiên cứu này, xã hội học đô thị đã tự khẳng định và trở thành một chuyên ngành rõ rệt. Và nhìn chung, xã hội học đô thị về cơ bản có nguồn gốc từ truyền thống này của trường phái Chicago. (Theo Giáo trình Xã hội học Đô thị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)


Khai Hoan Chu