|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đi đầu cuộc đua vắc xin COVID-19, thế giới vừa hi vọng vừa ngờ vực

18:58 | 17/08/2020
Chia sẻ
Trung Quốc nổi lên như nước đi đầu trong chiến dịch phát triển vắc xin COVID-19. Bước tiến này sẽ nâng cao vị thế của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu, song cũng dấy lên lo ngại về độ an toàn của vắc xin và khả năng Bắc Kinh sử dụng lợi thế mới trong các tranh chấp quốc tế.

Hi vọng len lỏi từ các nghiên cứu vắc xin của Trung Quốc

Theo Nikkei Asian Review, trong tổng cộng 29 vắc xin ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, Trung Quốc đứng đầu về số lượng với 9 ứng viên.

Đáng chú ý, Trung Quốc có 5 vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn ba (tức giai đoạn cuối của qui trình) và các sản phẩm dự kiến sẽ được sử dụng trên thực tế sớm nhất là trong vài tháng tới.

Tuần trước, hãng dược CanSino Biologics thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba tại Arab Saudi với 5.000 tình nguyện viên. Đầu tuần này, CanSino trở thành công ty đầu tiên được cấp bằng sáng chế cho vắc xin ngừa COVD-19 tại Trung Quốc.

Thành tựu này là kết quả của nhiều năm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh.

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các hãng dược và viện nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ là tiền đề cho tiến bộ to lớn trên. CanSino là công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, tuy nhiên hãng này đang theo đuổi một dự án nghiên cứu chung có sự hỗ trợ của quân đội Trung Quốc.

Sinopharm - một hãng dược lớn khác, là công ty nhà nước, trong khi Sinovac là một liên doanh giữa Đại học Bắc Kinh và các doanh nghiệp Hong Kong. Hai công ty này đều đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối.

Cả ba tên tuổi trên đều được cho là có mối quan hệ gần gũi với chính quyền trung ương và Bộ Khoa học - Công nghệ Trung Quốc được xem là đầu tàu trong chiến lược vắc xin của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong một sách trắng về các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19 công bố vào tháng 6, Bộ Khoa học - Công nghệ Trung Quốc nhấn mạnh việc phát triển vắc xin sẽ được tiến hành đồng thời bằng cách sử dụng 5 hướng tiếp cận khác nhau.

Mặc dù không biết vắc xin nào có thể đưa vào sử dụng trong thực tế, Trung Quốc chọn thử nghiệm toàn bộ các ứng viên để xây dựng một kho dự trữ vắc xin quốc gia.

Theo truyền thông Trung Quốc, CanSino và Sinovac đang chuẩn bị để sản xuất 100 - 200 triệu liều vắc xin/năm với sự hỗ trợ từ chính phủ.

Trung Quốc đi đầu cuộc đua vắc xin COVID-19, thế giới vừa hi vọng vừa ngờ vực - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu

Phương pháp điều chế vắc xin chủ lực của Trung Quốc gây tốn kém

Thế mạnh của Trung Quốc là vắc xin bất hoạt, tức các vắc xin điều chế từ virus hoặc vi khuẩn đã mất khả năng sinh bệnh nhưng vẫn có tính kháng nguyên.

Theo Nikkei, ba trong số các ứng viên vắc xin đang được thử nghiệm giai đoạn ba của Trung Quốc là vắc xin bất hoạt. Trong số 5 tổ chức đang theo đuổi vắc xin bất hoạt trên thế giới, Trung Quốc chiếm 4 cái tên.

Vắc xin bất hoạt đã có từ lâu và hiệu quả cũng như độ an toàn đều đã được chứng minh. Tuy nhiên, vì virus bất hoạt được tạo ra bằng trứng gà và tế bào động vật, việc sản xuất sẽ tốn nhiều công sức và kém hiệu quả hơn.

Các hãng dược châu Âu và Mỹ không còn áp dụng phương pháp trên, tuy nhiên các hãng dược Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi vắc xin bất hoạt.

Sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực điều chế vắc xin bất hoạt bắt nguồn một phần từ kinh nghiệm trong quá khứ ở các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS và cúm gia cầm.

Công ty nghiên cứu Astamuse (trụ sở tại Tokyo) đã kiểm tra các bằng sáng chế liên quan đến các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm chủng virus RNA (chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 và cúm mùa). Sau đó, Astamuse nhận thấy Trung Quốc đã nộp 106 đơn xin cấp bằng sáng chế trong năm 2019, còn Mỹ chỉ ghi nhận 61 hồ sơ.

Trung Quốc liên tục dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực này kể từ năm 2008, vì công nghệ bất hoạt là chìa khóa cốt lõi trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh của họ.

Nghiên cứu kín kẽ và chính sách ngoại giao vắc xin

Vắc xin của Trung Quốc hiếm khi được phân phối ra nước ngoài và không rõ hiệu quả thực sự ra sao. Các thử nghiệm lâm sàng tập trung vào tốc độ nhưng có rất ít thông tin về độ hiệu quả và tác dụng phụ của vắc xin.

Nikkei dẫn lời một nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết ngay cả khi Trung Quốc đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, "lo lắng về mức độ an toàn của sản phẩm không dừng lại".

Ngoài ra, chính sách ngoại giao vắc xin mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng tầm ảnh hưởng cũng là một mối lo ngại.

Tại một cuộc họp thường niên của WHO hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: "Khi Trung Quốc điều chế và triển khai vắc xin ngừa COVID-19 thành công, chúng tôi sẽ biến vắc xin thành hàng hóa chung trên toàn cầu. Đây sẽ là đóng góp của Trung Quốc trong việc đảm bảo vắc xin sẽ đến được các nước đang phát triển với mức giá vừa phải".

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hối thúc Trung Quốc ưu tiên cho Philippines tiếp cận vắc xin trước, dù hai bên đang tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Nikkei nhận định, có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vắc xin như một công cụ để gia tăng tầm ảnh hưởng.

Ở diễn biến khác, Nga đã bắt đầu sản xuất vắc xin, tự hào rằng đây là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Đến nay Mỹ đã đầu tư hơn 10 tỉ USD với hi vọng có được hàng trăm triệu liều vắc xin. Giai đoạn sử dụng vắc xin trên thực tế đang đến rất nhanh và việc mua sản phẩm đang nhanh chóng trở thành một vấn đề toàn cầu.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.