|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lo sợ Tổng thống Trump đi lối tắt trong cuộc chạy đua vắc xin với Nga

18:42 | 14/08/2020
Chia sẻ
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới mà chưa qua thử nghiệm sâu rộng, các chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại Tổng thống Trump có thể chạy đua vắc xin để bắt kịp với Nga.

Chuyên gia lo lắng ông Trump "đốt cháy giai đoạn"

Hôm 11/8, Nga tuyên bố đã phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, lấy tên Sputnik V theo tên vệ tinh đột phá mà Liên Xô phóng vào vũ trụ năm 1957.

Các chuyên gia y tế cộng đồng tại Mỹ lo ngại Tổng thống Trump sẽ muốn cạnh tranh với Nga bằng cách vội vàng tung ra vắc xin của riêng nước Mỹ trước khi thử nghiệm thực sự hoàn tất. New York Times dẫn lời giới khoa học Mỹ hi vọng lần này ông Trump sẽ thực sự tin tuyên bố của Nga chỉ là một trò lừa bịp.

"Tôi tin vắc xin Sputnik V của Nga sẽ tạo thêm động lực để Tổng thống Trump thúc ép nghiên cứu và buộc Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vắc xin nhanh hơn", Tiến sĩ Margaret Hamburg - Giám đốc FDA dưới thời ông Barack Obama, cho hay.

"Nếu ông Trump đã tin càng xét nghiệm sẽ càng có nhiều người nhiễm COVID-19 thì tôi nghĩ ông ta cũng tin rằng không cần phải thử nghiệm vắc xin hay thuốc điều trị", bà Hamburg nói tiếp.

Nga phê duyệt vắc xin chỉ sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu còn đang dang dở ở giai đoạn ba. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ cho biết vắc xin Sputnik V có thể mang lại hiệu quả.

Nếu vắc xin này không có hiệu quả, quá trình nghiên cứu và phê duyệt gấp rút có thể gây nguy hiểm cho cả người dân Nga và thế giới nếu ông Trump tìm cách "đi tắt" để đạt được thành tích tương tự.

Giới chuyên gia Mỹ lo Tổng thống Trump 'đi tắt' để cạnh tranh với vắc xin của Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin bắt tay nhau tại một sự kiện. (Ảnh: Reuters)

Công cuộc nghiên cứu vắc xin phải đối mặt với nhiều áp lực khi chính quyền ông Trump ra sức phát triển một phương thức để phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19 - đại dịch đến nay đã giết chết hơn 164.000 người dân Mỹ.

Hai hãng dược đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba tại Mỹ, bước cuối cùng trước khi vắc xin có thể được phê duyệt. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại ông Trump có thể buộc các thử nghiệm "đốt cháy giai đoạn" để giành một chiến thắng chính trị trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/11 tới.

Hồi đầu tháng 8, Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng, cho biết các cơ quan quản lí tại Mỹ đã cam kết không vì áp lực chính trị mà vội vàng cấp phép vắc xin, dù ông Trump đã nhiều lần cho biết vắc xin có thể được tung ra trước ngày bỏ phiếu. Các nhà khoa học nhận định nhiều khả năng đến đầu năm sau các thử nghiệm lâm sàng mới hoàn tất.

"Chúng tôi đang làm tốt nhiều mặt, kể cả với đại dịch COVID-19", ông Trump chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/8. "Tuy nhiên, tôi cho rằng dịch bệnh sắp đến hồi kết. Nước Mỹ sắp có vắc xin và sẵn sàng phân phối sản phẩm đến tay người dân".

Tại một cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Trump không đưa ra bình luận gì về thông báo vắc xin của Nga mà chỉ khoe khoang về "tiến bộ to lớn" trong nghiên cứu một loại vắc xin của Mỹ. Ông Trump khẳng định: "Chúng tôi sắp tiến đến phê duyệt vắc xin này".

Tờ The Hindu từng đưa ra một bài phân tích, nhận định ông Trump đang dốc sức săn lùng một loại vắc xin để ngừa rủi ro trước thềm bầu cử. Chiến dịch Operation Warp Speed có thể là công cụ mà ông Trump sử dụng cho mục đích này.

Theo chương trình Operation Warp Speed của chính phủ liên bang, nhiều loại vắc xin ngừa COVID-19 đang được phát triển cùng lúc với mục tiêu sản xuất 300 triệu liều an toàn và hiệu quả vào tháng 1/2021.

Tại cuộc phỏng vấn ngày 11/8, ông Trump ca ngợi: "Trên mặt trận điều chế vắc xin, Operation Warp Speed là chiến dịch lớn và tiên tiến nhất trên thế giới cũng như trong lịch sử".

Quan hệ Mỹ - Nga đứng trước hai ngưỡng cửa

Ông Putin cảm thấy không cần phải đợi thử nghiệm vắc xin diễn ra ở qui mô rộng lớn tại nước Nga dù có khả năng vắc xin Sputnik V không hiệu quả và an toàn như kì vọng.

Tuy nhiên, thông qua tuyên bố hôm 11/8, ông Putin đã đặt Tổng thống Trump vào một tình thế khó xử nếu xét đến tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo.

"Xét từ mối quan hệ nồng ấm của ông Trump với Tổng thống Putin cũng như mong muốn tái đắc cử của cá nhân ông, ông Trump có thể muốn tạo lại đột phá vắc xin như của Nga", bà Monica Schoch-Spana, học giả của Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nhận định.

Ông David J. Kramer - cựu trợ lí ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng ông Trump nên tận dụng thời điểm này để kiểm nghiệm lại mong muốn về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.

"Ngoài kiểm soát vũ khí, chống lại đại dịch COVID-19 sẽ là một vấn đề mà Mỹ và Nga nên hợp tác cùng nhau chứ không phải là mặt trận cạnh tranh mới", ông Kramer lí giải.

"Tuy nhiên, tốc độ phê duyệt vắc xin thần tốc của Nga cũng gây lo ngại và có nguy cơ làm xói mòn niềm tin giữa hai nước nếu vắc xin không hiệu quả hoặc gây hại cho cơ thể người", ông Kramer cảnh báo.

Mối quan hệ Mỹ - Nga bị chi phối bởi hệ quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi Nga bị cáo buộc can thiệp nhằm giúp ông Trump giành chiến thắng.

Tuần trước, tình báo Mỹ báo cáo rằng Nga vẫn đang cố can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp ông Trump tái đắc cử, ông chủ Nhà Trắng đã ngay lập tức bác bỏ thông tin này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.