|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CNN: Mỹ gạt phắt đề nghị 'hợp tác chưa từng có' của Nga về vắc xin COVID-19

15:38 | 14/08/2020
Chia sẻ
Phía Nga sẵn lòng giúp đỡ Mỹ về vắc xin COVID-19 nhưng Mỹ thẳng thừng từ chối. Các quan chức Mỹ còn nói rằng không ai nên nghiêm túc cân nhắc về việc sử dụng vắc xin của Nga.

Các quan chức tại Moscow tiết lộ với CNN rằng Nga đã đưa ra đề nghị "hợp tác chưa từng có" đối với chương trình đẩy nhanh tiến độ vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 của Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại "Mỹ không muốn tiếp nhận" thành tựu y tế của Nga.

Một quan chức cấp cao của Nga nói: "Nhìn chung, Mỹ thường nghi ngờ Nga. Chúng tôi cho rằng chính sự hoài nghi này khiến cho Mỹ không chấp nhận công nghệ của Nga, bao gồm vắc xin, xét nghiệm và điều trị COVID-19".

Hôm 13/8, Thư kí Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết ông Trump đã được thông báo về vắc xin mới của Nga. Bà McEnany nói vắc xin của Mỹ trải qua các thử nghiệm giai đoạn 3 "nghiêm ngặt" và có tiêu chuẩn cao.

Các quan chức Mỹ khác thì nói rằng vắc xin Nga bị Mỹ coi thường đến mức nó còn không thu hút được sự chú ý nghiêm túc của Mỹ cho đến khi được triển khai.

Một quan chức y tế công cộng của chính phủ Mỹ nói thẳng: "Không đời nào Mỹ thử nghiệm vắc xin của Nga lên khỉ chứ đừng nói là người".

Hôm 11/8, Nga thông báo nước này đã có vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, Tổng thống Vladimir Putin còn cho biết con gái ông đã được tiêm chủng loại vắc xin này. Tuy nhiên, vắc xin của Nga còn chưa hoàn thành các cuộc thử nghiệm và nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự nghi ngờ về tuyên bố của Nga.

Nga cho biết một số hãng dược Mỹ muốn học hỏi về vắc xin của Nga nhưng không tiết lộ những cái tên doanh nghiệp cụ thể. Nga khẳng định sẵn sàng chia sẻ thông tin về vắc xin và sẽ cho phép các công ty dược phẩm Mỹ sản xuất vắc xin Nga trên đất Mỹ.

Đáp lại sự khước từ của Mỹ, Nga nói rằng Washington nên "nghiêm túc xem xét việc áp dụng" vắc xin Nga (được đặt tên là Sputnik V) để cứu sống người Mỹ.

"Nếu Sputnik V được chứng minh là một trong những vắc xin công hiệu nhất trên thế giới, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng tại sao Mỹ lại không cân nhắc đến đề nghị của Nga kĩ càng hơn, tại sao chính trị lại cản trở việc tiếp cận vắc xin", quan chức cấp cao của Nga nói.

Nga chưa công bố bất kì dữ liệu khoa học nào về các cuộc thử nghiệm vắc xin.

Theo CNN, một cố vấn của chính phủ Mỹ nói: "Nga thử nghiệm vắc xin lên số lượng người quá ít nên chúng ta không thể biết được liệu vắc xin này có hiệu quả trên qui mô lớn hay không. Nga hoàn toàn không có đủ dữ liệu về độ an toàn".

Vị này nói rằng có vẻ như Nga đã phê chuẩn vắc xin nhanh chóng trên cơ sở xét đoán rằng lợi ích tiềm năng của vắc xin lớn hơn so với rủi ro. Ông nói thêm: "Hậu quả Nga phải đối mặt có thể sẽ rất kinh khủng".

Một cựu quan chức Mỹ gọi vắc xin Nga là "trò đùa", nói thêm rằng Nga chưa hoàn thành ba giai đoạn thử nghiệm, và vì vậy không ai nên nghiêm túc quan tâm đến loại vắc xin này.

Thông thường, vắc xin được thử nghiệm trên người theo ba giai đoạn nhằm kiểm tra độ an toàn và hiệu quả. 

Giang