Vắc xin COVID-19: Canh bạc lớn của nước Nga
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính phủ của ông đã phê duyệt một loại vắc xin COVID-19 và sẽ bắt đầu tiêm phòng cho các giáo viên, y bác sĩ trong tháng 8 này. Dự kiến ngay trong mùa thu 2020, Nga sẽ tiêm chủng rộng rãi cho dân chúng.
Tuy nhiên theo Bloomberg, loại vắc xin này chưa trải qua thử nghiệm giai đoạn 3 – tiêu chuẩn vàng để xác định tính an toàn và hiệu quả của bất kì loại vắc xin nào. Quyết định mạo hiểm của Nga có thể sẽ không giúp mà còn gây hại cho nỗ lực chống dịch.
Trong một cuộc họp nội các ngày 11/8, ông Putin nói: "Vắc xin COVID-19 của Nga có hiệu quả đủ cao, tạo phản ứng miễn dịch ổn định và, tôi nhắc lại một lần nữa, đã trải qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết".
Dựa trên chút ít thông tin được công bố rộng rãi thì những khẳng định của ông Putin không thực sự đáng tin cậy. Vắc xin của Nga mới chỉ trải qua một số cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu và kết quả chưa được công bố để cộng đồng khoa học quốc tế xác minh. Theo Hiệp hội Thử nghiệm Lâm sàng của Nga, tính đến đầu tháng 8 mới chỉ có chưa đầy 100 người được tiêm vắc xin.
Hệ miễn dịch của con người cực kì phức tạp và có những khác biệt rất lớn giữa các cá thể, phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, mọi người có các phản ứng khác nhau khi được tiêm vắc xin.
Một số loại vắc xin chỉ có tác dụng với một bộ phận dân số nhất định và vô hiệu hay thậm chí gây hại cho những người khác. Các dấu hiệu về an toàn không phải lúc nào cũng rõ ràng và xuất hiện ngay trong thử nghiệm lâm sàng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, vắc xin có thể khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá, dẫn tới bệnh tình nghiêm trọng.
Ngoại trừ những rủi ro trên, nước Nga còn đang đánh cược rất lớn vào mức độ an toàn của vắc xin. Để chứng minh một loại vắc xin có khả năng bảo vệ khỏi bệnh tật và được cơ thể người chấp nhận, các nhà khoa học cần khối lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng nghìn người trong đời sống thực tế.
Đến nay Nga chưa cung cấp nhiều số liệu, và dữ liệu hiện cũng không có nhiều ý nghĩa vì thời gian nghiên cứu COVID-19 của cả thế giới còn quá ngắn ngủi, chỉ chưa đến một năm.
Ông Putin ngày 11/8 cho biết một cô con gái của ông đã được tiêm vắc xin và cho kết quả lượng kháng thể cao. Tuy nhiên theo Bloomberg, ở giai đoạn này của quá trình nghiên cứu, các thước đo thứ cấp như lượng kháng thể là không đủ để xác nhận một loại vắc xin có hiệu quả hay không.
Không khó để nhận ra tại sao chính quyền của ông Putin lại sẵn sàng đánh cược với một loại vắc xin chưa được kiểm nghiệm đầy đủ. Nếu vắc xin thực sự an toàn và hiệu quả, đất nước có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường, uy tín của ông Putin trong nước cũng sẽ được nâng cao.
Nhưng nếu canh bạc vắc xin thất bại, cái giá phải trả sẽ là rất lớn, bao gồm cả mạng sống của nhiều người dân.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Nga hiện nay đã ghi nhận hơn 900.000 ca dương tính với COVID-19 (đứng thứ 4 thế giới) và hơn 15.200 ca tử vong (thứ 15 toàn cầu).
Nếu vắc xin của Nga chỉ tạo được miễn dịch thấp, tạm thời hay không ổn định thì nó có thể khiến người Nga tin vào một sự an toàn giả tạo. Sau khi tiêm loại vắc xin không hiệu quả, người dân sẽ sinh hoạt và làm việc như bình thường, tạo cơ hội cho virus lây lan nhanh và mạnh hơn trước.
Nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra, hoặc nếu vắc xin của Nga có các tác dụng phụ nguy hiểm, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sự tin tưởng vào chính phủ Nga nói riêng và vắc xin nói chung.
Giống như các quốc gia khác trên thế giới, Nga sẽ phải sống trong sợ hãi vì COVID-19 trong một thời gian dài nữa.