|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin'

15:55 | 05/08/2020
Chia sẻ
Hiểu rõ nhu cầu khổng lồ của thế giới, Trung Quốc cam kết sẽ chia sẻ vắc xin COVID-19 do nước này phát triển cho mọi quốc gia. Chiến lược ngoại giao mới của Bắc Kinh rất có thể sẽ thành công trong bối cảnh nguồn cung vắc xin toàn cầu bị hạn chế.
'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Justin Bui

'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin' - Ảnh 2.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tích cực thực hiện chính sách "ngoại giao khẩu trang", gửi thiết bị y tế, máy thở và cả y bác sĩ để giúp các nước khác chống dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, nỗ lực quảng bá bản thân của Trung Quốc đã thất bại, ít nhất là tại phương Tây. Những nước này cho rằng COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc, do vậy Bắc Kinh có lỗi khi không ngăn chặn được virus lây lan ra toàn thế giới. 

Không muốn chấp nhận thất bại trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc quyết định xoay chuyển sang chiến lược mới: Ngoại giao vắc xin. Trung Quốc tự đặt mình vào vị trí nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19, tuyên bố sẽ cung cấp các khoản vay và chia sẻ vắc xin COVID-19 cho mọi quốc gia.

Theo South China Morning Post (SCMP), các vắc xin do Trung Quốc phát triển đang dẫn đầu cuộc đua tìm kiếm phương thức an toàn và hiệu quả nhằm chống lại đại dịch. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ "chia sẻ vắc xin COVID-19 cho cộng đồng quốc tế" và "đảm bảo các nước đang phát triển có thể tiếp cận và mua vắc xin với giá phải chăng".

Lời bảo đảm của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều vắc xin trên toàn thế giới bước vào giai đoạn nghiên cứu cuối, chỉ còn cách một bước đến khả năng được phê chuẩn. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin nhiều khả năng sẽ kéo dài trong suốt nhiều tháng hoặc vài năm do các hạn chế trong khả năng sản xuất.

Những quốc gia giàu có như Mỹ, Anh và Nhật Bản đã sớm thỏa thuận với các hãng dược để đặt mua những lô hàng vắc xin đầu tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố tháng trước: "Trung Quốc sẽ không hành động như một vài quốc gia, tìm cách độc quyền hoặc mua hết vắc xin ngừa COVID-19".

'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin' - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ sẽ làm cách nào để biến vắc xin COVID-19 thành "hàng hóa công cộng toàn cầu" đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung cho 1,4 tỉ dân Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đánh tiếng rằng Nepal, Afghanistan, Pakistan và Philippines là những quốc gia có thể được hưởng lợi từ vắc xin Trung Quốc.

Tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất cung cấp các khoản vay 1 tỉ USD cho các nước khu vực Mỹ La tinh và Caribe để mua vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng. Tháng 6, ông Tập tuyên bố châu Phi sẽ được ưu tiên tiếp cận vắc xin COVID-19 một khi Bắc Kinh phát triển và phân phối vắc xin thành công trong nước.

Ông Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York nhận xét: "Chính sách "ngoại giao vắc xin" có thể sẽ giúp tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, đồng thời củng cố Sáng kiến Vành đai và Con đường".

'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin' - Ảnh 4.

Với việc COVID-19 tái bùng phát tại khu tự trị Tân Cương theo sau ổ dịch tại Bắc Kinh hồi tháng 6, giới chức Trung Quốc "bắt buộc" phải có vắc xin ngừa COVID-19, ông Huang nhận định.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phân bổ vắc xin cho nước ngoài, đồng thời thực hiện chiến dịch vắc xin riêng tại nước nhà.

'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin' - Ảnh 5.

Các chuyên gia phát triển vắc xin nhận định Trung Quốc sẽ cần tăng cường đáng kể năng lực sản xuất và thay đổi hướng đi của ngành vắc xin trong nước nếu muốn đóng góp cho nguồn cung thế giới.

Ông John Donnelly, Giám đốc tại hãng tư vấn Vaccinology Consulting nói với SCMP: "Trong lịch sử, Trung Quốc không phải là tay chơi lớn trong một số lĩnh vực của nguồn cung toàn cầu. Một phần vì Trung Quốc là nước rất lớn và đông dân nên thị trường nội địa cũng rất lớn".

"Thông thường, Trung Quốc làm rất tốt trong việc tự chăm sóc bản thân mình, nhưng các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc có ít cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế".

Dù Trung Quốc sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin các loại mỗi năm, đóng góp của nước này đối với nguồn cung thế giới nhỏ hơn nhiều so với các nhà sản xuất Ấn Độ và công ty đa quốc gia của phương Tây, theo dữ liệu từ WHO.

Những người trong ngành cho biết kể cả khi tăng cường năng lực sản xuất vắc xin, trọng tâm ban đầu của Trung Quốc vẫn sẽ là đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết tính đến tháng trước, nước này có 13 doanh nghiệp đang xây dựng cơ sở sản xuất vắc xin, nhưng không nói rõ tổng cộng những cơ sở này có thể cung cấp bao nhiêu liều vắc xin.

Một cơ sở tại Vũ Hán được trang bị để xuất xưởng 100 triệu liều vắc xin mỗi năm. Một cơ sở khác tại Bắc Kinh có thể sản xuất 120 triệu liều. Hãng dược Sinovac đang xây dựng nhà máy có công suất sản xuất 100 triệu liều vắc xin.

Bà Vicky Xia, Giám đốc hãng nghiên cứu thị trường BioPlan Associates cho rằng nếu Trung Quốc chế tạo vắc xin ngừa COVID-19 thành công thì việc nhanh chóng tăng cường sản lượng sẽ "không thành vấn đề".

Bà Vicky nghĩ rằng trọng tâm sẽ là đáp ứng nhu cầu nội địa nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc tiến ra thị trường vắc xin nước ngoài: "Từ lâu doanh nghiệp Trung Quốc đã có tham vọng xuất khẩu vắc xin sang thị trường nước ngoài".  

Một biện pháp khác để đáp ứng nhu cầu toàn cầu có thể bao gồm việc chuyển giao công nghệ, cho phép nước ngoài tự sản xuất vắc xin do Trung Quốc phát triển, Giám đốc Donnelly của hãng tư vấn Vaccinology Consulting cho biết.

Theo Reuters, những thương vụ kiểu này có thể đang được đàm phán giữa Sinovac và các hãng điều chế vắc xin tại Brazil và Indonesia.

Nhưng Trung Quốc có thể đối mặt với một trở ngại khác: sự thiếu hụt niềm tin.

Trong vài năm qua, ngành vắc xin của Trung Quốc đã bị chấn động bởi các vụ bê bối về tính an toàn, bao gồm việc một doanh nghiệp bán vắc xin không đạt tiêu chuẩn để tiêm chủng cho trẻ em. Năm ngoái, Trung Quốc đã phải ban hành luật mới để thắt chặt các qui tắc trong ngành vắc xin. 

'Ngoại giao khẩu trang' bất thành, Trung Quốc xoay sang 'ngoại giao vắc xin' - Ảnh 6.

Ông Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York thừa nhận: "Chắc chắn sẽ có những lo ngại chính đáng khi xét đến những bê bối liên quan tới vắc xin tại Trung Quốc". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nhìn chung trong những năm qua ngành vắc xin đã trở nên cạnh tranh hơn.

Ông Huang khẳng định: "Trung Quốc nhận thức rõ rằng an toàn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển vắc xin ngừa COVID-19".

Giang