Trung Quốc muốn cứng rắn với Mỹ nhưng ngại phá hỏng quan hệ hai bên
Cứng rắn nhưng không đi quá giới hạn
Giới phân tích cho biết bất chấp thái độ "chiến lang" của các nhà ngoại giao và những phát biểu chính thức, Bắc Kinh vẫn tránh việc khiêu khích thái quá và khó có thể ra đòn trả đũa có sức nặng ngang bằng với công kích ngoại giao của Mỹ.
Theo South China Morning Post (SCMP), căng thẳng giữa hai nước bùng phát vào tuần trước khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng của lãnh sự quán tại Houston trong vòng 72 giờ với cáo buộc về hoạt động gián điệp. Bắc Kinh phản ứng bằng cách cho đóng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, thay vì đóng cửa những cơ sở ngoại giao lớn ở Vũ Hán, Thượng Hải hay Hong Kong.
Bắc Kinh khẳng định việc đóng của lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là "cần thiết", "thích hợp", "trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Mỹ" và thậm chí còn live stream sự kiện này cho hàng triệu người theo dõi.
Tuy nhiên, việc yêu cầu Washington cho ngừng hoạt động một tòa lãnh sự có ít tầm quan trọng chiến lược nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang cố làm hài lòng người dân trong nước nhưng không đẩy quan hệ hai bên tới bờ vực.
Ông Zhang Baohui, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lĩnh Nam cho biết: "Về cơ bản, ý đồ của Bắc Kinh là thể hiện Trung Quốc vẫn cứng rắn nhưng không khiến căng thẳng leo thang. Cách tiếp cận chung của Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc đang lên, là tránh đẩy Mỹ vào một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện".
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nổi lên từ giữa năm 2018. Washington là bên khai hỏa đầu tiên trong cuộc chiến thương mại tiếp diễn tới tận bây giờ. Dù Tổng thống Trump đã gạt đi việc đàm phán thương mại thêm với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn cam kết tuân theo thỏa thuận giai đoạn một kí hồi tháng 1.
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi xoay quanh tranh cãi về công nghệ, gián điệp kinh tế, đại dịch COVID-19 và hành động của Bắc Kinh tại Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.
Ngày 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi toàn thế giới khiến Trung Quốc thay đổi bằng những cách "quyết đoán" vì Trung Quốc gây tổn hại đến "sự thịnh vượng của chúng ta".
Bắc Kinh khẳng định những nhận xét khiêu khích của Ngoại trưởng Pompeo là một phần trong định kiến của ông chứ không phải là sự thật. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nước đứng lên để ngăn chặn ông Pompeo "gây thêm tổn hại cho thế giới".
Hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công khai kêu gọi hai nước hòa giải và đối thoại "miễn là Mỹ sẵn lòng". Nhưng chỉ một tuần sau, ông tuyên bố Mỹ "đã đánh mất đạo đức và uy tín" và nói chính sách "Nước Mỹ là số một" của chính quyền ông Trump đã xui khiến hành vi bắt nạt và tính cố chấp.
Ông Cui Lei, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vẫn đang tìm cách để xoa dịu tình hình: "Chiến lược của Bắc Kinh là duy trì sự ổn định, bày tỏ thiện chí và giữ hình ảnh rằng họ sẽ không chịu cúi đầu. Miễn là Mỹ không muốn một cuộc chiến tranh thật sự, Trung Quốc sẽ luôn chấp nhận đàm phán".
Khi Mỹ trừng phạt một Ủy viên Bộ Chính trị cùng ba quan chức Trung Quốc với các cáo buộc vi phạm nhân quyền, Trung Quốc đáp lại bằng cách trừng phạt ba nhà lập pháp cùng một quan chức Mỹ.
Cũng trong tháng 7, Bắc Kinh phản ứng lại việc Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn gói nâng cấp tên lửa 620 triệu USD cho Đài Loan bằng cách trừng phạt công ty vũ khí Mỹ Lockheed Martin. Tác động của nước đi này gần như không đáng kể vì Lockheed Martin có ít lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc.
Trung Quốc có ít công cụ hơn Mỹ
Giáo sư Thời Ân Hoằng, nhà cố vấn cho chính phủ Trung Quốc nhận xét: "So với những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh thân cận như Anh và Australia, Trung Quốc có ít công cụ để đáp trả hơn".
"Việc "ăn miếng trả miếng" thường xuyên cũng có thể mang lại cho ông Trump đúng những gì ông ấy muốn và khiến Trung Quốc càng bị quốc tế cô lập. Công chúng Trung Quốc có thể sẽ ngày càng quen với những phản ứng mạnh mẽ và những "diều hâu" ở Mỹ cũng sẽ ngày càng hành động quyết liệt".
Tin tức về đối đầu Mỹ-Trung đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc đã thổi bùng chủ nghĩa dân tộc và tâm lí bài Mỹ, có thể gây áp lực buộc giới lãnh đạo Trung Quốc không thể hiện sự yếu đuối trước Mỹ.
Ông Zhu Feng, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh cho biết: "Vì mục đích đối nội, Trung Quốc đã cố gắng tránh tỏ ra yếu đuối trong quyết định ở Thành Đô và việc ra vẻ cứng rắn cũng là một phần của "ngoại giao chiến lang". Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Một số chuyên gia cho rằng căng thẳng giữa hai siêu cường có thể sẽ dịu đi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, lấy lí do là ông Trump đã cố đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19.
Nhưng các nhà lập pháp Mỹ đã hợp tác với nhau để thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó với Trung Quốc.
Ông Shen Dingli, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung nói rằng trong bầu không khí căng thẳng hiện nay, hành động từ bất cứ nước nào cũng sẽ vấp phải phản ứng từ nước còn lại.
"Xung đột Mỹ-Trung đã biến thành vòng lặp vô tận của hành động và phản ứng, mỗi bước đi đều đẩy hai nước tiến gần hơn tới bờ vực của sự cắt đứt quan hệ. Nếu không nước nào tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không tung ra động thái nào sau khi bị tấn công", vòng lặp sẽ còn tiếp diễn mãi mãi".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/