|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Căng thẳng Mỹ-Trung bước vào kỉ nguyên mới đầy nguy hiểm

15:10 | 27/07/2020
Chia sẻ
Cuộc đối đầu ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cực kì nguy hiểm vì cả hai siêu cường đều đang trải qua giai đoạn lịch sử mà chưa nước nào từng đối mặt.
Căng thẳng Mỹ-Trung tiến vào vùng lãnh thổ mới đầy nguy hiểm - Ảnh 1.

Căng thẳng Mỹ-Trung bước vào kỉ nguyên mới đầy nguy hiểm - Ảnh 2.

Theo CNBC, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Thư viện Nixon hôm 23/7 đánh dấu lời kêu gọi hành động mạnh mẽ nhất để chống lại Trung Quốc.

Ông Pompeo đưa ra bài phát biểu trên chỉ một ngày sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sứ quán tại Houston. Ngay ngày hôm sau, Trung Quốc trả đũa bằng cách yêu cầu lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô ngừng hoạt động, còn FBI bắt giữ một người bị cáo buộc là quân nhân Trung Quốc tại San Francisco.

Rất nhiều người sẽ muốn gắn mác các sự kiện trên như là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, cách gọi này vẫn chưa đủ để thể hiện sự khác lạ của điều đang diễn ra và sự nghiêm trọng của nó.

Kể từ khi vươn lên thành siêu cường số một thế giới, Mỹ chưa từng phải đối mặt với một đối thủ mạnh như Trung Quốc trên khắp các lĩnh vực quan trọng: chính trị, kinh tế, công nghệ, quân sự và thậm chí là cả xã hội.

Trong lịch sử hiện đại, không một quốc gia nào trỗi dậy nhanh chóng như Trung Quốc. Năm 1980, Trung Quốc chỉ chiếm 2% GDP toàn cầu nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng gấp 10 lần lên 20%.

Sau 4 thập kỉ cố gắng hợp tác, Mỹ và Trung Quốc hiện đang lao vào cuộc đối đầu có thể quyết định phương hướng của tương lai.

Mục đích của cuộc đấu tranh Mỹ-Trung không phải để "thống trị thế giới", mà là nhằm gây tác động đáng kể đến "phán quyết của thế giới", ảnh hưởng đến việc dân chủ hay chuyên chế, chủ nghĩa tư bản thị trường hay tư bản nhà nước sẽ được tương lai lựa chọn.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện tại cũng dị thường do diễn ra trùng với Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 và kỉ nguyên thay đổi công nghệ lịch sử được thúc đẩy bởi dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kĩ thuật sinh học và rất nhiều nhân tố khác.

Đại dịch tồi tệ nhất thế kỉ càng khiến cho xung đột Mỹ-Trung trở nên gay gắt và leo thang nhanh chóng, với Trung Quốc có tiềm năng trở thành kẻ đắc lợi nhất do là quốc gia lớn đầu tiên thoát khỏi nanh vuốt của COVID-19.

Để có thể hiểu rõ được về sự nguy hiểm của thời đại ngày nay, hãy nghĩ về những điều sắp đến như một phiên bản hiện đại của giai đoạn sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai cho tới khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đã phải trải qua giai đoạn cực kì khó khăn và suýt nữa leo thang thành chiến tranh hạt nhân trước khi bình ổn lại dưới dạng các thỏa thuận, hội nghị thượng đỉnh và sự thừa nhận về các ranh giới bất khả xâm phạm.

Berlin của ngày hôm nay – điểm quyết định của cuộc đối đầu mới này – có thể sẽ là sự kết hợp giữa vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Trong khi Mỹ coi Đài Loan là một nền dân chủ có chủ quyền riêng và Biển Đông là lãnh thổ quốc tế, Trung Quốc coi cả Đài Loan và Biển Đông là tài sản của riêng mình.

Việc Ngoại trưởng Pompeo chọn Thư viện Nixon cho bài phát biểu lịch sử của mình là một sự dàn dựng khéo léo. Ông Pompeo lưu ý rằng năm 2021 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của Henry Kissinger đến Trung Quốc, khởi nguồn cho sự mở cửa của Bắc Kinh với Mỹ và thế giới phương Tây.

Ông Pompeo dẫn lại lời Tổng thống Nixon viết trên tạp chí Foreign Affairs năm 1967: "Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Do đó mục tiêu của chúng ta là đem lại sự thay đổi".

Căng thẳng Mỹ-Trung bước vào kỉ nguyên mới đầy nguy hiểm - Ảnh 3.

Tuy nhiên, theo ông Pompeo thì "Loại cam kết mà Mỹ theo đuổi trong thời gian qua đã không mang lại loại thay đổi bên trong Trung Quốc như Tổng thống Nixon hi vọng".

Sau đó, ông Pompeo tiếp tục kêu gọi toàn thế giới đối phó với Trung Quốc: "Chúng ta, những quốc gia yêu tự do trên thế giới, phải khiến Trung Quốc thay đổi bằng những cách sáng tạo và quyết đoán hơn, vì hành động của Bắc Kinh đe dọa sự thịnh vượng của chúng ta".

Căng thẳng Mỹ-Trung bước vào kỉ nguyên mới đầy nguy hiểm - Ảnh 4.

Nước Mỹ vẫn còn thiếu một chiến lược tổng thể để phối hợp với các đồng minh nhằm đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Stephen Hadley vẫn ca ngợi chính quyền ông Trump vì đã mài giũa sự tập trung của nước Mỹ trong kỉ nguyên cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch và các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã công bố đề xuất toàn diện dài 160 trang nhằm "thúc đẩy chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc".

Dĩ nhiên cuộc bầu cử tháng 11 cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hành động của chính quyền ông Trump và Đảng Cộng hòa. Ông Trump sẽ đẩy mạnh chiến dịch chống Trung Quốc và khẳng định đối thủ Joe Biden là quá yếu đuối để đương đầu với Bắc Kinh.

Căng thẳng Mỹ-Trung bước vào kỉ nguyên mới đầy nguy hiểm - Ảnh 5.

Dù ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử, những người chủ trương Mỹ đối phó quyết đoán với Trung Quốc hi vọng rằng họ sẽ kịp đặt ra một chính sách kéo dài trong tương lai.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hadley khẳng định để đối đầu hiệu quả với Trung Quốc, Mỹ sẽ cần đầu tư nội địa vào công nghệ và cơ sở hạ tầng, hàn gắn sự chia rẽ chính trị, tập hợp bạn bè và đồng minh, khôi phục tiếng tăm trên trường quốc tế và cả hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề mà không một nước nào có thể tự đứng ra giải quyết.

"Bất kì chính quyền tổng thống Mỹ nào cũng sẽ cần chiến lược bền vững để đối phó với Trung Quốc, để tạo ra các qui tắc và luật lệ mà không chia rẽ thế giới và đẩy chúng ta vào một cuộc chiến mà không ai muốn. Chúng ta sẽ cần hàng năm trời để xây dựng được chiến lược đúng đắn", ông Hadley nói.

Giang