|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phe 'diều hâu' thắng thế, Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc

06:31 | 24/07/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump đã dành ba năm đầu nhiệm kì để cố gắng cân bằng giữa phe có quan điểm chống Trung Quốc và phe mong muốn đạt thỏa thuận thương mại. Quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston hôm 21/7 đã làm rõ một điều: các diều hâu hiện đang nắm quyền.

Nóng lòng đổ lỗi cho Trung Quốc vì COVID-19 và chán ngấy với cái mà các quan chức Mỹ gọi là "thời kì lịch sử của gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ", ông Trump đã cho phép một nhóm cố vấn đứng đầu bởi Ngoại trưởng Michael Pompeo thúc đẩy chính sách ngoại giao theo hướng cứng rắn nhất trong hàng thập kỉ.

Kết quả là Mỹ đã tung ra hàng loạt các cáo buộc, hạn chế và trừng phạt đối với Trung Quốc và đỉnh điểm là yêu cầu đóng lãnh sự quán.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan ra rất nhiều mặt trận: luật an ninh Hong Kong, cách đối xử của Bắc Kinh với người Hồi giáo tại Tân Cương và tranh cãi xung quanh các vụ tấn công mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Trong hầu hết tất cả mọi mặt trận, Mỹ đều phản ứng mạnh mẽ hơn Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã cấm các học giả, trục xuất giới nhà báo Trung Quốc và cảnh báo doanh nghiệp Mỹ cần giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

Hôm 19/6, ông Pompeo phát biểu: "Mỹ đang phản ứng lại với Trung Quốc và sự hung hăng của nước này theo cách mà Mỹ chưa từng làm trong vòng 20 năm qua. Trước đây, khi Trung Quốc sử dụng quân sự, Mỹ đã lùi bước. Khi Trung Quốc sử dụng cưỡng ép ngoại giao, Mỹ lại rút lui. Tổng thống Donald Trump sẽ không cho phép điều này và chúng tôi đã thực hiện đúng như vậy".

Theo Bloomberg, đội ngũ của ông Pompeo cùng với Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger là những nhân vật thiết kế sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Hai ông đã thuyết phục các quan chức trong Nhà Trắng rằng Mỹ cần phải phản công sau hàng thập kỉ làm ngơ trước lối hành xử của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ vì đã quá ngây thơ.

Đội ngũ của ông Pompeo đã liên tiếp tung ra những đòn tấn công vào Bắc Kinh, kêu gọi sự tham gia của mọi quan chức cấp cao. Giám đốc FBI công khai tuyên bố Trung Quốc là "mối đe dọa lâu dài lớn nhất" của nước Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thì chỉ trích các công ty công nghệ và Hollywood là "con tốt dưới tay Trung Quốc".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã kêu gọi Mỹ kiềm chế vào hôm 22/7, so sánh chính quyền ông Trump với một chiếc xe đang đi nhầm đường. "Đã đến lúc đạp phanh và quay lại hướng đi đúng!", tweet của sứ quán Trung Quốc viết.

Gần đây, ông Pompeo đã đến thăm Anh và Đan Mạch với mục tiêu xây dựng liên minh toàn cầu chống Trung Quốc.

Phe 'diều hâu' thắng thế, Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Pompeo (trái) và người đồng cấp Dominic Raab (Phải). Ông Pompeo ca ngợi lập trường cứng rắn với Trung Quốc của Anh. Ảnh: AP

Phe 'diều hâu' thắng thế, Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh 3.

Theo CNBC, các nhà phân tích dự đoán công chúng Mỹ sẽ còn nghe thấy thêm nhiều các bài phát biểu với luận điệu chống Trung Quốc khi cuộc bầu cử tổng thống tới gần. Các động thái đối đầu của chính quyền ông Trump với Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục gia tăng. 

Ông Jimmy Chang, Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Asset Management nhận xét: "Một mặt, chính quyền ông Trump muốn Trung Quốc mua nông sản. Mặt khác, việc biến Trung Quốc thành mục tiêu lại rất hiệu quả để lấy lòng cử tri. Cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều sẽ thể hiện lập trường chống Trung Quốc để kiếm phiếu bầu". 

Phe 'diều hâu' thắng thế, Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh 4.

Về phía Trung Quốc, việc chính phủ cứng rắn với phương Tây cũng có thể được lòng người dân. Khó có khả năng Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu lùi bước trước. Trong cuộc hội thảo hôm 21/7, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ củng cố thị trường nội địa, tăng cường mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông Tập khẳng định: "Lịch sử sẽ chứng minh Trung Quốc là người đúng".

Ông Jimmy Chang nói: "Sự tin tưởng lẫn nhau đã bị đánh mất. Trong hàng chục năm, phương Tây liên tục nói rằng nếu giao thương nhiều hơn với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ chịu mở cửa và ngày càng giống phương Tây. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra trong suốt vài năm qua".

Phe 'diều hâu' thắng thế, Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh 5.

Những ngày tháng mà ông Trump hết lời ca ngợi ông Tập đã biến mất, Nhà Trắng hiện bị bao phủ trong bầu không khí tiêu cực. Theo nguồn tin của Bloomberg, ngay cả những tiếng nói ôn hòa cũng bị bỏ qua trong các cuộc họp của chính quyền.

Dù được các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ, luận điểm chống Trung Quốc của ông Pompeo đã làm dấy lên lo ngại đối với các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ bên ngoài chính phủ Mỹ.

Ông Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và cựu Thượng nghị sĩ bang Montana nói với Bloomberg: "Dù Trung Quốc gây ra rất nhiều rắc rối cho Mỹ nhưng hành động của Pompeo rõ ràng là cách xử lí sai lầm".

"Nếu Pompeo tưởng rằng sẽ thay đổi được hành động của Trung Quốc, thì ông ta đang sai lầm nghiêm trọng. Các phát biểu giống ông ta và những người khác đang làm suy yếu quyền lực của những nhà cải cách tại Trung Quốc, trong khi đó lại củng cố luận điệu của phe diều hâu Trung Quốc".

Một số nhà ngoại giao và thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa lập luận rằng Mỹ cần phải hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc để giải quyết hàng loạt vấn đề, bao gồm chống khủng bố và đối phó với biến đổi khí hậu. Họ lo ngại rằng chiến lược cứng rắn mới sẽ chỉ càng khiến quan chức Trung Quốc trở nên cứng đầu hơn.

Phe 'diều hâu' thắng thế, Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh 6.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tuần này: "Lo lắng của tôi là việc đối đầu với Trung Quốc là điều duy nhất khiến Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chịu hợp tác với nhau trong Quốc hội. Mỹ đang tiến quá xa tới sự thù địch".

Giang