|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dấu ấn ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc bị đe dọa vì vụ lãnh sự quán ở Houston

12:08 | 23/07/2020
Chia sẻ
Ngày 21/7, Mỹ bất ngờ yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston phải đóng cửa và cho nhân viên tòa lãnh sự 72 giờ để rời đi. Bước đi này sẽ giáng một đòn đau về ngoại giao cho mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước và nhiều khả năng khiến dấu ấn của Mỹ ở Trung Quốc thu hẹp lại.
Dấu ấn ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc có thể trồi sụt sau vụ việc tại lãnh sự quán Houston - Ảnh 1.

Xe cứu hỏa đến dập tắt đám cháy do nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đốt tài liệu ngay trong sân tòa nhà để phản đối yêu cầu của chính phủ Mỹ. (Ảnh: AP)

Hôm 21/7, chính phủ Mỹ bất ngờ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Houston (bang Texas) trong vòng 72 giờ, khiến Bắc Kinh tức giận thề trả đũa và yêu cầu các nhà ngoại giao của nước này đốt tài liệu ngay trong sân tòa nhà lãnh sự.

Theo South China Morning Post, các tuyên bố trước do Bộ Ngoại giao Mỹ phản hồi về vụ việc chỉ nói chung chung, cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và đe dọa sự an toàn của người dân Mỹ.

Ngoài hai đại sứ quán tại thủ đô Bắc Kinh và Washington, Mỹ và Trung Quốc còn duy trì 5 lãnh sự quán tại nước còn lại.

Hiện tại, Trung Quốc có lãnh sự quán ở Houston (bang Texas), San Francisco và Los Angeles (bang California), Chicago (bang Illinois) và New York (bang New York). Ngoài ra, New York cũng là nơi đặt trụ sở phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.

Lãnh sự quán ở Houston phục vụ 8 bang ở phía nam nước Mỹ cùng vùng lãnh thổ Puerto Rico.

Dấu ấn ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc có thể trồi sụt sau vụ việc tại lãnh sự quán Houston - Ảnh 2.

Bloomberg dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc có khoảng 300 nhà ngoại giao ở thủ đô Washington, tuy nhiên con số ở các lãnh sự quán khác dù thấp hơn lại không được tiết lộ.

Ở chiều ngược lại, Mỹ có lãnh sự quán ở Thẩm Dương, Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Châu và Vũ Hán. Lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu là một trong các trung tâm cấp visa (thị thực) đến Mỹ lớn nhất trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Mỹ còn có một lãnh sự quán lớn ở Hong Hong và xưa nay được đối xử tách biệt với Trung Quốc đại lục.

Dấu ấn ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc bị đe dọa vì vụ lãnh sự quán ở Houston - Ảnh 3.

Bắc Kinh đã thề sẽ trả đũa Washington, đồng nghĩa rằng một trong các khu ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc có thể phải đóng cửa. Mỹ thường có khoảng 700 - 1.000 nhà ngoại giao ở Trung Quốc để cấp visa, thu thập tin tức,... Dù vậy, con số thực tế đã giảm nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, buộc chính phủ Mỹ phải đưa nhân viên về nước.

Trong khi giới quan sát đồn đoán chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, ông Hồ Tích Tiến - tổng biên tập Thời báo Toàn cầu, cho hay Bắc Kinh sẽ không xem biện pháp trả đũa này là tương xứng với hành động của phía Washington.

"Tôi nghĩ mục tiêu của Trung Quốc có thể khó lường hơn, khiến Mỹ cảm thấy đau đớn thực sự", ông Hồ Tích Tiến bình luận trên Twitter hôm nay (23/7).

"Chính phủ Trung Quốc có thể đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán. Tuy nhiên, động thái này sẽ không hoàn toàn tương xứng với việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston", ông Max Baucus - cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho hay.

"Trung Quốc có nhiều phương án khác. Họ có thể hạn chế số lượng nhà ngoại giao Mỹ tại đất nước mình, vì hiện có nhiều nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc hơn so với số lượng quan chức ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ", ông Baucus lập luận.

Bloomberg dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã tham gia sâu vào các hoạt động gián điệp. Ngoài ra, cơ quan này còn tham gia cấp visa cho các công ty Mỹ tìm cách cử nhân viên ngành năng lượng đến Trung Quốc.

Ông David Stilwell - trợ lí Ngoại trưởng Mỹ, mới đây đã làm rõ nhiều thông tin quanh vụ việc. Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Stilwell nói lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston "có lịch sử tham gia vào âm mưu lật đổ chính phủ Mỹ".

Cụ thể, ông Stilwell cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã "cử sinh viên sang các trường đại học Mỹ một cách công khai cũng như âm thầm để nghiên cứu những thứ có thể nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc trong thế giới kinh tế..."

Đồng thời, trợ lí Ngoại trưởng Mỹ khẳng định "trung tâm của tất cả các hoạt động này là lãnh sự quán ở Houston". Ông Stilwell còn cho biết các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Houston đã có hành vi đáng ngờ tại sân bay quốc tế Houston, địa điểm đưa công dân Trung Quốc hồi hương tránh đại dịch.

Trung Quốc lần đầu tiên thành lập văn phòng đại diện tại thủ đô Washington vào đầu những năm 1970 sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon. Văn phòng này sau đó được chuyển đổi thành Đại sứ quán Trung Quốc khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.