|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu COVID-19 và bí mật thương mại

07:34 | 22/07/2020
Chia sẻ
Mỹ cáo buộc hai tin tặc làm việc cho chính phủ Trung Quốc tìm cách đánh cắp rất nhiều dữ liệu, bao gồm nghiên cứu về COVID-19 từ phương Tây. Bộ Tư pháp Mỹ còn khẳng định đã biết rõ danh tính các quan chức Trung Quốc hỗ trợ cho tin tặc.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu COVID-19 và bí mật thương mại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Bloomberg đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hai tin tặc là Li Xiaoyu và Dong Jiazhi đã đánh cắp và tìm cách đánh cắp dữ liệu trị giá hàng trăm triệu USD của doanh nghiệp phương Tây với sự hỗ trợ từ Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc. 

Cáo trạng Bộ Tư pháp Mỹ công bố viết: "Li Xiaoyu và Dong Jiazhi, hai bạn học cũ tại một trường cao đẳng kĩ thuật điện ở Thành Đô, Trung Quốc, đã sử dụng kĩ thuật được đào tạo để tấn công hệ thống máy tính của rất nhiều nạn nhân. Hai bị cáo đã đánh cắp những bí mật thương mại trị giá hàng trăm triệu USD, tài sản trí tuệ và các thông tin kinh doanh giá trị khác".

Các đối tượng bị tin tặc nhắm đến bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng và hệ thống vũ khí.

Căng thẳng leo thang

Cáo buộc từ Mỹ đe dọa sẽ khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Mối quan hệ giữa hai nước vốn dĩ đã xấu đi vì rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề Hong Kong, nguồn gốc COVID-19 và công nghệ 5G. Những lo ngại về đánh cắp tài sản trí tuệ từ lâu đã là một điểm nhức nhối trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông John Demers, người đứng đầu Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo hôm 21/7: "Trung Quốc đang cung cấp một nơi trú ẩn an toàn" cho các tin tặc hành động vì lợi ích cá nhân và phục vụ chính phủ nước này.

Ông Demers nói rằng Mỹ biết danh tính những quan chức Trung Quốc hỗ trợ các tin tặc nhưng quyết định chưa truy tố họ vào thời điểm này.

Khi được yêu cầu bình luận, các quan chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nhắc lại những bình luận của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/7.

"Chúng tôi liên tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc là người bảo vệ đáng tin cậy cho an ninh mạng. Từ lâu Trung Quốc đã là nạn nhân lớn của các vụ trộm cắp và tấn công mạng", bà Hoa Xuân Oánh nói. Quan điểm của chúng tôi về các vấn đề an ninh mạng là nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi kiên quyết phản đối và chống lại mọi hình thức tấn công và trộm cắp trên mạng".

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các doanh nghiệp bị tin tặc nhắm đến có trụ sở tại Mỹ, Australia, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Lithuania, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh.

Truy tố

"Bản cáo trạng buộc tội các bị cáo có âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của ít nhất 8 nạn nhân, bao gồm thiết kế công nghệ, qui trình sản xuất, cơ chế và kết quả thử nghiệm, mã nguồn và cấu trúc hóa chất dược phẩm", theo tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ.

Những thông tin trên sẽ "mang lại lợi thế thị trường bằng cách cung cấp thông tin về các kế hoạch kinh doanh và giúp tiết kiệm chi phí nghiên cứu và sản xuất trong việc tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh", Bộ Tư pháp nói.

Trước đó, FBI đã cảnh báo rằng tin tặc Trung Quốc đang nhắm đến các tổ chức nghiên cứu COVID-19 nhằm nỗ lực chiếm đoạt dữ liệu liên quan tới vắc xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm.

Theo South China Morning Post (SCMP), chính phủ Mỹ hiện đang đẩy mạnh các cuộc điều tra chống lại các hành vi đánh cắp thông tin và gián điệp kinh tế của Trung Quốc. Mới đây, tòa án liên bang Mỹ đã kết án một nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, cáo buộc người này là thành viên của quân đội Trung Quốc và đã gian lận visa khi đến Mỹ. 

Bà Song Chen bị truy tố về việc "có liên quan tới âm mưu lừa dối về danh tính của mình với tư cách là quân nhân tại ngũ của quân đội Trung Quốc" trong khi tiến hành nghiên cứu y tế tại Stanford, một đặc vụ của FBI cho biết.  

Trong năm nay, Mỹ cũng tiến hành hàng loạt các vụ truy tố các chuyên gia che giấu thông tin đang làm việc cho quân đội Trung Quốc khi xin visa đến Mỹ và chuyển dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. 

Giang