|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nước giàu 'đặt gạch' mua vắc xin COVID-19 trước, các nước khác xếp cuối hàng

10:39 | 03/08/2020
Chia sẻ
Những quốc gia giàu có đã chốt hàng loạt thỏa thuận để có được 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19, làm dấy lên lo ngại rằng phần còn lại của thế giới sẽ phải xếp cuối hàng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Nước giàu 'đặt gạch' sẵn cho vắc xin COVID-19, các nước khác xếp cuối hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo Bloomberg, mới đây Anh và Mỹ đã đồng ý trả hàng tỉ USD để mua vắc xin của Sanofi và GlaxoSmithKline. Nhật Bản lập thỏa thuận với hãng dược Pfizer. Liên minh châu Âu (EU) cũng rất quyết liệt để đảm bảo nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19.

Số lượng vắc xin được sản xuất sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu của 7,8 tỉ người trên thế giới. Khả năng các nước giàu có sẽ độc quyền nguồn cung vắc xin khiến cho những nước nghèo và tổ chức y tế đứng ngồi không yên. Trên thực tế, kịch bản này đã xảy ra trong đại dịch cúm lợn 2009.

Hãng phân tích Airfinity cho biết Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đã "chốt đơn" cho 1,3 tỉ liều vắc xin COVID-19 tiềm năng. Điều khoản cho phép mua thêm vắc xin trong thỏa thuận khiến con số trên tăng thêm 1,5 tỉ liều.

Ông Rasmus Bech Hansen, CEO Airfinity nhận xét: "Kể cả nếu bạn lạc quan về tiến bộ khoa học, thế giới vẫn không có đủ vắc xin". Một điều khác cần phải xét đến là hầu hết vắc xin đang được nghiên cứu sẽ cần tiêm 2 liều cho mỗi người.

Một số công ty dẫn đầu cuộc đua, ví dụ như Pfizer-BioNTech SE đã tiến đến giai đoạn nghiên cứu cuối, làm dấy lên hi vọng rằng thế giới sẽ sớm có vũ khí chống lại COVID-19.  Tuy nhiên, các hãng dược vẫn đối mặt với nhiều trở ngại: chứng minh vắc xin công hiệu với người, được cơ quan quản lí phê duyệt và tăng cường năng lực sản xuất.

Có thể phải đến quí I/2022, nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới mới đạt 1 tỉ liều, Airfinity dự đoán.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Seth Berkley, CEO Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng Gavi nói rằng các quốc gia sẽ cần phải đạt được các loạt thỏa thuận khác nhau với nhiều nhà sản xuất vắc xin để tăng cơ hội nhận được vắc xin. Lí do là không phải vắc xin của hãng dược nào cũng sẽ thành công.

"Điều chúng tôi lo lắng nhất là việc đạt được một mớ các thỏa thuận. Chúng tôi hi vọng có thể khiến các quốc gia hợp tác với nhau bằng một danh mục vắc xin ngừa COVID-19".

Khoản đầu tư lớn nhất

Tổ chức Y tế Thế giới, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch tễ và Gavi đang hợp tác để tạo ra khả năng tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 bình đẳng và rộng rãi cho mọi quốc gia trên thế giới. Các tổ chức trên đã thiết kế chương trình Covax trị giá 18 tỉ USD để bảo đảm thu được 2 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021.

Hồi tháng 6, AstraZeneca trở thành nhà sản xuất vắc xin đầu tiên tham gia vào chương trình của Gavi, cam kết sẽ cung ứng 300 triệu liều vắc xin. Pfizer và BioNTech cũng thể hiện sự quan tâm đối với Covax, Bloomberg cho biết.

Chính quyền ông Trump đã đồng ý chi 2,1 tỉ USD để mua 100 triệu liều vắc xin của Sanofi và GlaxoSmithKline. Đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ dành cho chương trình nghiên cứu và thu mua vắc xin. Mỹ cũng có tùy chọn mua thêm 500 triệu liều vắc xin nữa nếu muốn.

EU đang chốt thỏa thuận mua 300 triệu liêu vắc xin của Sanofi-GlaxoSmithKline, đồng thời đang trong giai đoạn bàn bạc cuối với một vài công ty khác, theo tuyên bố ngày 31/7.

"Ủy ban châu Âu cũng cam kết rằng bất kì ai trên thế giới cần vắc xin đều sẽ có được chúng, chứ không phải chỉ công dân châu Âu", EU khẳng định.  

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ chia sẻ mọi vắc xin nước này sản xuất thành công với thế giới.

Mỹ đã đầu tư vào nhiều dự án khác. Tuần trước, chính phủ Mỹ đồng ý trả 1,95 tỉ USD cho hai hãng dược Pfizer và BioNTech để mua 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, nếu loại vắc xin này được cấp phép.

Novavax thông báo thỏa thuận 1,6 tỉ USD với Mỹ, trong khi đó AstraZeneca được Mỹ cam kết trả 1,2 tỉ USD để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất.

CEO Berkley của Gavi nói rằng việc Mỹ đầu tư để tăng tốc các cuộc thử nghiệm, mở rộng qui mô sản xuất và thúc đẩy quá trình phát triển "là tin tuyệt vời cho thế giới".

"Tiền của Mỹ giúp thúc đẩy khoa học tiến lên phía trước. Tôi rất lạc quan về điều này. Lo lắng của tôi là chúng ta cần nguồn cung cho toàn cầu".

Giang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.