Mỹ chi hơn 2 tỉ USD cho 100 triệu liều vắc xin COVID-19
Tiền đầu tư từ chính phủ Mỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ các cuộc thử nghiệm lâm sàng, hoạt động sản xuất và phân phối vắc xin. Mỹ cũng có khả năng mua thêm 500 triệu liều vắc xin nữa nếu muốn, CNBC đưa tin.
Ông Thomas Triomphe, người đứng đầu bộ phận vắc xin của Sanofi tuyên bố: "Nhu cầu của toàn thế giới dành cho vắc xin ngăn ngừa COVID-19 là cực kì lớn, không một loại vắc xin hay công ty đơn lẻ nào có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu".
"Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch, Sanofi đã vận dụng chuyên môn khoa học và nguồn lực sâu rộng của mình để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng. Sanofi cũng hợp tác với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ để mở ra con đường nhanh chóng dẫn tới việc sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 và sản xuất trên qui mô lớn.
Các quan chức y tế nhận xét thế giới sẽ không thể quay trở về trạng thái "bình thường" cho đến khi có vắc xin ngừa COVID-19. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins tính đến 8 giờ sáng 2/8 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã làm chết 682.931 người và khiến 17.767.622 người mắc bệnh trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 150 vắc xin ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó 25 loại đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng.
Hôm 14/4, Sanofi và GlaxoSmithKline thông báo hai công ty này đã đạt được thỏa thuận chung để cùng sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 cho đến cuối năm sau. Sanoffi cho biết họ sẽ tận dụng công nghệ được sử dụng trong vắc xin cúm. GlaxoSmithKline sẽ cung cấp công nghệ bổ trợ được thiết kế để tăng cường đáp ứng miễn dịch trong vắc xin.
Sanofi dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin trên người giai đoạn đầu vào tháng 9. Giai đoạn thử nghiệm tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm. Nếu vắc xin đang nghiên cứu được chứng minh là an toàn và hiệu quả, Sanofi và GlaxoSmithKline dự kiến sẽ xin phê duyệt trong nửa đầu năm 2021.
Chưa đầy hai tuần trước, chính phủ Mỹ thông báo sẽ trả hai hãng dược Pfizer và BioNTech 1,95 tỉ USD để sản xuất 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 nếu vắc xin này được chứng minh là an toàn và có hiệu quả ở người.
Hôm 30/7, các quan chức cấp cao tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tiết lộ rằng Pfizer và hãng dược đối thủ Moderna đã thử nghiệm vắc xin "cho vài trăm người" trong ba ngày gần đây.
Hôm 31/7, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tuyên bố việc rót tiền cho nhiều loại vắc xin giúp gia tăng khả năng Mỹ "có được ít nhất một loại vắc xin an toàn, hiệu quả vào cuối năm nay".
"Khoản đầu tư ngày hôm nay sẽ hỗ trợ cho sản phẩm của Sanofi và GlaxoSmithKline từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho đến lúc sản xuất, có tiềm năng mang đến hàng trăm triệu liều vắc xin an toàn cho người Mỹ".