|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Reuters: 40 USD sẽ là giá cao nhất cho một liều vắc xin phòng COVID-19

16:10 | 29/07/2020
Chia sẻ
Theo thông tin từ lãnh đạo tổ chức Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), 40 USD sẽ là mức giá cao nhất cho một liều vắc xin phòng COVID-19 áp dụng đối với các quốc gia giàu có, các quốc gia nghèo hơn sẽ được điều chỉnh giá giảm theo biên độ.

Theo Reuters, Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) ước tính rằng mức giá cao nhất đối với vắc xin phòng COVID-19 có thể là 40 USD/liều (tương đương với khoảng 927.000 đồng).

Trả lời Reuters vào ngày 28/7, ông Seth Berkley, lãnh đạo của Liên minh vắc xin GAVI, cho biết hiện đơn vị này vẫn chưa ấn định mức giá cụ thể cho vắc xin phòng COVID-19 và sẽ tìm cách đàm phán mức giá hợp lí hơn giữa các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập cao.

Ông Berkley đã bác bỏ thông tin từ Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng Công ty COVAX (đơn vị nhận nhiệm vụ đảm bảo phân phối vắc xin phòng COVID-19 toàn cầu cũng do ông Berkley dẫn dắt) sẽ đưa ra mức giá là 40 USD cho một liều vắc xin COVID-19 phân phối tới các quốc gia giàu có và EU đang tìm cách thỏa thuận với mức giá rẻ hơn.

40 USD sẽ là giá cao nhất cho một liều vắc-xin - Ảnh 1.

vắc xin COVID-19, ảnh minh họa. Nguồn: Dado Ruvic/Reuters

"Các mức giá của vắc xin có biên độ rộng và nguồn tin từ EU đưa ra là con số cao nhất. Mức giá 40 USD là dành cho những nước có thu nhập cao, và đây không phải giá cố định", ông Berkley nói.

Ông cũng cho biết thêm, hầu hết các loại vắc xin hiện đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm do vậy vẫn còn quá sớm để đưa ra mức giá cuối cùng. Bên cạnh đó, việc cần tiêm một hay hai liều vắc xin, sản lượng cung ứng là bao nhiêu vẫn chưa thể quyết định. Tất cả các yếu tố này đều sẽ tác động đến mức giá của vắc xin.

Theo thông tin từ Reuters, Công ty COVAX do các tổ chức GAVI, WHO và CEPI (tạm dịch: Liên minh cải tiến sẵn sàng ứng phó dịch bệnh) cùng điều hành. 

COVAX đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin phòng COVID-19 tới các quốc gia thỏa thuận. GAVI cho biết, vào đầu tháng 7 vừa rồi đã có trên 75 quốc gia quan tâm tới vấn đề này.

Ở Việt Nam, tại buổi Hội thảo "Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng kí, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam" vào ngày 22/7, Phó Cục trưởng Cục KHCN&ĐT Nguyễn Ngô Quang cho biết, Bộ Y tế sẽ rút ngắn thời gian xem xét thẩm định vắc xin COVID-19, dự kiến rút ngắn từ 60 ngày xuống còn 12 ngày. Dự kiến vào tháng 10/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.

Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 bao gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen. Nếu thuận lợi, vào cuối năm nay vắc xin COVID-19 ở nước ta có thể thử nghiệm lâm sàng.

Mới đây, vào ngày 27/7, Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết Viện đang nghiên cứu rất bài bản vắc xin ngừa COVID-19 với Mỹ và các đối tác cùng công nghệ. Hiện vắc xin đang được đánh giá trên động vật thí nghiệm và đã gửi đi Mỹ để đánh giá kết quả. 

Dự kiến cuối tháng 8 sẽ có kết quả đầu tiên, nếu kết quả đầu tiên tốt, IVAC sẽ chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu mọi chuyện thuận lợi, đến cuối năm 2020 sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người.

Tường Vy