Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh trường kì với Mỹ về kinh tế
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài kể từ khi nước này từ bỏ nền kinh tế chỉ huy kiểu Liên Xô và chấp nhận cải cách cũng như mở cửa vào những năm 1980.
Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm là một trong số ít tàn dư của thời đại cũ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm duy trì và mở rộng.
Từ lâu, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng lối tư duy và lập kế hoạch trước đã giúp đất nước trở thành cường quốc kinh tế bằng cách kết hợp chủ nghĩa tư bản và sự kiểm soát của nhà nước.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 - dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Theo South China Morning Post (SCMP), hiện tại các nhà hoạch định chính sách đang xây dựng kế hoạch này.
Mỹ có thể không được nhắc đến, tuy nhiên khả năng đối đầu toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trở thành động lực lớn thúc đẩy việc xây dựng kế hoạch 5 năm mới nhất.
Do đó, giới quan sát lo ngại và băn khoăn về việc liệu chính phủ Trung Quốc có tăng cường kiểm soát nền kinh tế thay vì cải cách và mở cửa trong 5 năm tới hay không.
Lo lắng này xuất hiện trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc giục đất nước chuẩn bị cho "cuộc chiến trường kì" với dự đoán về một môi trường quốc tế thù địch hơn hậu đại dịch COVID-19.
Trung Quốc công bố kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1953, trực tiếp sao chép mô hình quản lí kinh tế của Liên Xô và đặt hạn ngạch sản xuất cố định đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp.
Tuy nhiên, đến những năm 1980 khi Chủ tịch Đặng Tiểu Bình thúc đẩy cải cách và mở cửa, hoạt động hoạch định kế hoạch dần trở thành sự kết hợp giữa các mục tiêu bắt buộc và hướng dẫn chỉ thị, cũng như không chỉ xoay quanh lĩnh vực kinh tế mà còn bao gồm các mục tiêu về xã hội và môi trường.
Từ lâu, người ta đã tranh luận về ưu và nhược điểm của các kế hoạch 5 năm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lập luận rằng kế hoạch 5 năm giúp chính phủ tập hợp các nguồn lực quốc gia để thực hiện các dự án lớn.
Ví dụ, trong kế hoạch 5 năm đầu tiên cho giai đoạn 1953 - 1957, Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện 694 dự án công nghiệp lớn, trong đó có 156 dự án do Liên Xô hỗ trợ về công nghệ và nhân lực. Gần 700 dự án này trải dài trên nhiều lĩnh vực từ xi măng đến hóa chất, góp phần đặt nền móng cho quá tình công nghiệp hóa đất nước.
Tuy nhiên, số khác lại đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các kế hoạch 5 năm khi khu vực tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành động lực chính của nền kinh tế và thị trường việc làm tại Trung Quốc.
Lập ra một kế hoạch 5 năm là khối công việc đồ sộ với sự tham gia của hàng chục nghìn quan chức và nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc trong hơn hai năm.
Việc chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sắp tới bắt đầu vào cuối năm 2018, khi các quan chức từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan hoạch định đầy quyền lực của Bắc Kinh, bắt đầu đánh giá giữa kì kế hoạch 5 năm hiện tại, đồng thời tiến hành nghiên cứu sơ bộ cho kế hoạch mới.
Các đường lối chính cho kế hoạch mới dự kiến sẽ được công bố trong một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Trung Quốc vào tháng 10 tới.
Sau cuộc họp đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ bổ sung chi tiết vào kế hoạch mới trong thời gian chuẩn bị cho phiên họp toàn thế hàng năm của chính phủ Trung Quốc vào tháng 3 năm sau. Tại phiên họp này, kế hoạch sẽ được thông qua và tiến tới thực hiện.
Theo SCMP, ngay khi các quan chức Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu sơ bộ cho kế hoạch mới vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với cáo buộc Trung Quốc thực hiện hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Kể từ đó, Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên đề cập rằng Trung Quốc cần chuẩn bị cho một môi trường toàn cầu mới, cảnh báo rằng "những thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua sắp diễn ra".
Khi quan hệ Mỹ - Trung đi xuống và đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành trên khắp thế giới, giới lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi công chúng chuẩn bị tâm lí cho "một cuộc chiến lâu dài".
Cụm từ "cuộc chiến lâu dài" có ý nghĩa đặc biệt ở Trung Quốc. Cụm này bắt nguồn từ cuộc chiến tranh chống Nhật trong quá khứ, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông viết một loạt bài phát biểu vào năm 1938 với tiêu đề "Về chiến tranh lâu dài". Theo đó, ông cảnh báo về những khó khăn trước mắt khi chiến đấu chống lại phát xít Nhật.
Khi sử dụng lại cụm từ "chiến tranh lâu dài", các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã báo hiệu rằng môi trường quốc tế thù địch mà Trung Quốc phải đối mặt có thể sẽ tiếp tục kéo dài sau khi đại dịch dịu xuống và bất kể ai lãnh đạo nước Mỹ sau cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới.
Trong chính bối cảnh đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định xoay trục kinh tế bằng cách giảm sự phụ thuộc vào thương mại toàn cầu và tập trung vào xây dựng lại chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy nền kinh tế nội địa theo hướng tăng trưởng bền vững.
Chiến lược phát triển quốc gia mới mang tên "lí thuyết tuần hóa kép" lần đầu tiên được giới lãnh đạo Trung Quốc giới thiệu vào tháng 5 năm nay.
Chiến lược mới lập ra một mô hình kinh tế mới do lưu thông kinh tế trong nước chiếm ưu thế nhưng vẫn tạo điều kiện cho lưu thông giữa Trung Quốc và thế giới. Chiến lược này dự kiến sẽ được áp dụng cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Trong khi kế hoạch 5 năm mới đang được thảo luận và soạn thảo, một số vấn đề đang dần trở nên rõ nét hơn.
Thứ nhất, Trung Quốc dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế dưới 6% hoặc thậm chí ít thấp hơn, so với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% trong kế hoạch 5 năm hiện tại. Trên thực tế, giới chuyên gia đã tranh luận rằng có cần thiết lập tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm hay không khi Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi tăng trưởng có chất lượng.
Thứ hai, thúc đẩy năng lực đổi mới và đột phá trong các công nghệ cốt lõi để tăng cường khả năng tự lực sẽ là một trong các nội dung chính trong kế hoạch mới.
Dưới áp lực của Washington, Trung Quốc đã không còn đề cập đến chính sách công nghiệp hàng đầu "Made in China" mà chính phủ công bố năm 2015 nhằm đưa đất nước tỉ dân tăng tiến trong chuỗi giá trị để trở thành nhà sản xuất hàng hóa cấp cao và thống trị 10 ngành công nghiệp chiến lược từ ô tô, viễn thông thế hệ mới đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Hiện tại, do Washington tăng cường các lệnh hạn chế đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, đáng chú ý có Huawei, ByteDance, kế hoạch 5 năm mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục đề cập đến các mục tiêu của chính sách "Made in China".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/