|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đối đầu với ông Trump nhưng muốn giảng hòa với nước Mỹ

13:12 | 13/08/2020
Chia sẻ
Trung Quốc luôn đáp lại mọi đòn tấn công chính quyền ông Trump tung ra. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh vẫn phát đi tín hiệu rằng họ muốn giảm bớt căng thẳng với Mỹ.

Gần đây, ông Trump ra lệnh cấm hai ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok và WeChat. Tiếp đến, ông Trump gửi phái đoàn ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ tới Đài Loan trong vòng 40 năm qua. Trước những động thái trên, các nhà ngoại giao Trung Quốc lại khá im hơi lặng tiếng.

Kể cả phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ trừng phạt quan chức Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm Đặc khu trưởng Carrie Lam cũng có phần khá nhẹ nhàng: Bắc Kinh vẫn né tránh các thân tín của ông Trump.

Theo Bloomberg, sự chuyển biến trong giọng điệu của Trung Quốc diễn ra sau phát biểu của ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao cấp cao kiêm Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Dương khẳng định Bắc Kinh vẫn để mở cánh cửa đàm phán với Mỹ. 

Bắc Kinh đang cố gắng cân bằng giữa việc tỏ ra mạnh mẽ và đồng thời tránh khiến ông Trump nổi giận đến mức tung ra các động thái gây hại cho cả nền kinh tế lẫn niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh có thể giữ cho căng thẳng Mỹ - Trung không leo thang đến mức nổ tung trước ngày 3/11, chiến lược trên có thể chừa lại cho Trung Quốc khả năng thương thuyết với bất kì ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Chiến lược của Trung Quốc vẫn có rủi ro và có thể thay đổi nếu chính quyền ông Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.

Bài kiểm tra quan trọng sẽ là liệu hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể giữ cho thỏa thuận thương mại giai đoạn một sống sót hay không. Dự kiến, cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc về thỏa thuận thương mại sẽ diễn ra trong tuần này.

Dù liên tục chỉ trích Trung Quốc, ông Trump vẫn có một số kiềm chế. Khi trừng phạt Trung Quốc vì luật an ninh quốc gia Hong Kong, ông Trump cũng không nhắm vào những người thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ của Trung tâm Wilson, nhận xét các hành động chống Trung Quốc của ông Trump là "chưa từng có tiền lệ cả về tốc độ lẫn phạm vi – chúng liều lĩnh, có chủ ý và khiến người khác phải chóng mặt".

Theo ông Daly, mục đích của ông Trump là "tạo ra sự hỗn loạn liên tục để tối đa hóa phạm vi hành động và cải thiện cơ hội tái đắc cử".

Trung Quốc đối đầu với ông Trump nhưng muốn giảng hòa với nước Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc bắt đầu nghiêm túc đưa ra những lời kêu gọi hòa giải từ tuần trước, khi tuyên bố hai nước nên tránh "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới". Đồng thời, các nhà ngoại giao chiến lang của Trung Quốc cũng im lặng hơn.

Trả lời phỏng vấn tờ Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng: "Trung Quốc không hề có ý định "chiến tranh ngoại giao" do điều này sẽ càng khiến lợi ích của người dân hai nước bị tổn thương sâu sắc hơn".

Trung Quốc đối đầu với ông Trump nhưng muốn giảng hòa với nước Mỹ - Ảnh 2.

Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Washington viết trên tờ Axios rằng đã đến lúc "thiết lập lại" các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc: "Chúng tôi vẫn sẵn sàng phát triển mối quan hệ Mỹ - Trung với thiện chí và sự chân thành, đồng thời hi vọng Mỹ sẽ quay lại đúng hướng".

Trung Quốc đối đầu với ông Trump nhưng muốn giảng hòa với nước Mỹ - Ảnh 3.

Một số cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Vào cuối tháng 7, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn tổ chức thảo luận với một nhóm doanh nhân Mỹ. Tuần kế tiếp, Thị trưởng Thượng Hải Ứng Dũng gặp gỡ đại sứ Mỹ Terry Branstad.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tuần trước điện đàm với người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa về Đài Loan. Lầu Năm Góc cho biết: "Cả hai vị bộ trưởng đều đồng ý về tầm quan trọng của việc duy trì kênh giao tiếp mở".

Ông Shen Yamei, Phó Giám đốc Khoa Nghiên cứu Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết: "Các bài phát biểu của những nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung tiếp tục mở rộng, từ thương mại, nhân quyền cho đến ngoại giao và tư tưởng. Thậm chí có người còn lo ngại căng thẳng sẽ leo thang thành "chiến tranh nóng"".

"Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ không ngồi yên và để mặc giới chính trị gia Mỹ dẫn dắt và chi phối hướng đi của mối quan hệ song phương".

Tuy nhiên, ông Tập cũng không thể tỏ ra yếu đuối tại nước nhà. Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc thường hay lên tiếng trên mạng xã hội nhận biết được khi nào các phát biểu của chính phủ chỉ mang tính hình thức.

Người dùng Weibo bình luận về chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng  Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar: "Lằn ranh đỏ của Trung Quốc liên tục di chuyển", chỉ trích chính phủ đã nhượng bộ và không phản ứng đủ mạnh với Mỹ.

Trung Quốc đối đầu với ông Trump nhưng muốn giảng hòa với nước Mỹ - Ảnh 4.

Dù Trung Quốc đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, ông Tập vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là khôi phục tăng trưởng kinh tế và tránh tình trạng bất ổn xã hội bùng phát. Ông Tập muốn khơi gợi chủ nghĩa dân tộc, dĩ nhiên là ở mức không gây ra chiến tranh thương mại hoặc đối đầu quân sự với Mỹ.

Ông Bùi Mẫn Hân, Giáo sư về chính phủ tại Đại học Claremont McKenna cho biết: "Đối tượng Bắc Kinh nhắm đến trong các bài phát biểu kêu gọi hòa giải không phải là chính quyền ông Trump, mà là công chúng Mỹ và các nước khác trên thế giới".

Trung Quốc đối đầu với ông Trump nhưng muốn giảng hòa với nước Mỹ - Ảnh 5.

"Tôi lo ngại rằng thông điệp này bị át đi bởi những hành động khác của Trung Quốc, ví dụ như vụ bắt giữ Jimmy Lai và những người ủng hộ dân chủ khác tại Hong Kong. Hành động của Trung Quốc thu hút sự chú ý hơn nhiều những gì họ nói".

Nội dung: Giang - Đồ họa: Alex Chu