|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi

16:44 | 11/09/2020
Chia sẻ
Trung Quốc sắp thử nghiệm lâm sàng một ứng viên vắc xin COVID-19 hoàn toàn mới. Tình nguyện viên sẽ không phải chịu mũi tiêm đau đớn như thông thường.
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi - Ảnh 1.

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi. (Ảnh minh họa. Nguồn: CDC Mỹ)

Theo tin từ Bloomberg, vào ngày 9/9, Trung Quốc đã phê duyệt thử nghiệm giai đoạn một trên người cho một ứng viên vắc xin ngừa COVID-19 dạng xịt mũi. Sản phẩm thử nghiệm này do Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và hãng sản xuất vắc xin Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise đồng nghiên cứu.

Trước đây, các nhà nghiên cứu từng phát triển dòng thuốc xịt qua đường mũi để ngừa bệnh cúm và khuyến nghị sử dụng cho trẻ em cũng như người lớn muốn tránh bị tiêm bằng xi lanh truyền thống.

Mặc dù xịt mũi không phải là cách phổ biến để đưa thuốc vào cơ thể, các nhà khoa học trên khắp thế giới lại đang nghiên cứu các loại vắc xin dạng xịt thay thế cho dạng tiêm bắp.

10 ứng viên tiềm năng

Theo Bloomberg, vắc xin COVID-19 dạng xịt mới công bố là ứng viên vắc xin thứ 10 của Trung Quốc bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Trung Quốc đang tiến đến vị trí dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vắc xin trên thế giới, sau khi ứng viên tiềm năng nhất ở phương Tây - AstraZeneca phải tạm dừng thử nghiệm giai đoạn cuối để điều tra vấn đề tổn thương tủy sống ở một tình nguyện viên đã tiêm vắc xin thử nghiệm của hãng.

Vắc xin dạng xịt mũi của Trung Quốc chứa virus cúm đã suy yếu, bên trong chứa thông tin di truyền mang protein dằm (spike protein) của virus SARS-CoV-2.

Theo Nhật báo Khao học và Công nghệ (có liên kết với Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc), dạng vắc xin mới sẽ được truyền vào cơ thể qua đường mũi, bắt chước quá trình lây nhiễm tự nhiên của các virus đường hô hấp để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Một số nhà khoa học hi vọng vắc xin dạng xịt mũi có thể dễ dàng ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 qua đường hô hấp hơn. Vắc xin dạng tiêm có thể khơi dậy phản ứng miễn dịch có hệ thống để ngăn ngừa bệnh trở nặng, tuy nhiên chúng lại không đủ mạnh để ngăn lây nhiễm virus.

Theo đưa tin từ Nhật báo Khoa học và Công nghệ, các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chỉ ra rằng vắc xin dạng xịt mũi có thể làm giảm đáng kể tổn thương phổi ở chuột và hamster nhiễm COVID-19.

Cuộc đua qui mô toàn cầu

Vắc xin dạng xịt mũi của Trung Quốc đang cùng khoảng 35 ứng viên toàn cầu khác tham gia thử nghiệm trên người, khi cuộc đua tìm kiếm sản phẩm ngừa COVID-19 ngày càng căng thẳng.

Sau thất bại của AstraZeneca, các nhà phát triển vắc xin hàng đầu Trung Quốc như CanSino Biologics và China National Biotec Group (CNBG) đã nhấn mạnh về tính an toàn của sản phẩm thử nghiệm.

Bloomberg dẫn thông báo từ CNBG cho hay hai mũi vắc xin mà họ đang thử nghiệm có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông Zhou Song - Giám đốc pháp chế của CNBG, cho hay một số nhân viên ngoại giao và công nhân Trung Quốc đến làm việc tại các điểm nóng về COVID-19 đã được tiêm vắc xin do công ty này phát triển. Sau vài tháng, đến nay CNBG chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm dịch.

CanSino, công ty sử dụng kĩ thuật sản xuất vắc xin tương tự như của AstraZeneca, cho hay mũi tiêm của họ an toàn và không gây bất kì tác dụng phụ nghiêm trọng nào trong quá trình thử nghiệm.

Ông Zhu Tao - nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc khoa học của CanSino, đã bảo vệ ứng viên vắc xin của công ty này trước sự chỉ trích của công chúng rằng dường như vắc xin kích hoạt ít kháng thể hơn so với của các đối thủ như AstraZeneca và Moderna. Trong tuần này, ông Zhu cho biết khác biệt trong các chỉ số kháng thể là kết quả của việc sử dụng các phương pháp đo lường khác nhau.

Khả Nhân