|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trợ cấp (Subsidies) trong kinh tế tài nguyên môi trường là gì?

10:22 | 27/09/2019
Chia sẻ
Trợ cấp (tiếng Anh: Subsidies) là một biện pháp nhằm khuyến khích người sản xuất lắp đặt thiết bị làm giảm mức ô nhiễm.
pixta_16848569_S

Hình minh họa (Nguồn: khabarban)

Trợ cấp 

Khái niệm

Trợ cấp trong tiếng Anh gọi là: Subsidies.

Trợ cấp là một lợi ích được trao cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức, thường là bởi chính phủ. Nó thường ở dạng thanh toán bằng tiền mặt hoặc giảm thuế. 

Trợ cấp thường được đưa ra để loại bỏ một số loại gánh nặng, và nó thường được coi là vì lợi ích chung của công chúng, được đưa ra để thúc đẩy một lợi ích xã hội hoặc một chính sách kinh tế.

(Tài liệu tham khảo: Investopedia)

Cơ sở hình thành

Cho khoản tiền phụ cấp S trên một đơn vị gây ô nhiễm, mức bắt buộc là W, mức hoạt động hiện tại của người gây ô nhiễm là M, M nhỏ hơn W. 

Tổng số tiền trả trợ cấp (TSs) lúc đó là: TSs = S (W- M). 

Minh hoạ qua hình 1 về biện pháp dùng tiền phụ cấp giảm ô nhiễm.

trợ cấp

Hình 1. Tác động của thuế và trợ cấp đối với sản xuất ngành

Hình bên trái là hoạt động của một hãng, bên phải là hoạt động của ngành công nghiệp. Giải thích về cơ chế của hoạt động trợ cấp như sau: Trục Oy biểu diễn hai đại lượng bao gồm đại lượng về giá P, và đại lượng về chi phí cả chi phí bình quân (AC) và chi phí biên (MC). Trục Ox biểu thị sản lượng sản xuất của hãng. 

Đối với hãng, giá của một đơn vị sản phẩm (P) được xác định bằng điểm thấp nhất của đường cong chi phí bình quân (AC). Ta xét điểm đầu trên hình bên trái là (P.q) ứng với mức giá thấp nhất của đường cong của đường chi phí bình quân và điểm đầu trên hình bên phải là (P.Q) ứng với đường cung tổng hợp S. 

Cần chú ý rằng, ở đây chúng ta đang xét với điều kiện thị trường là cạnh tranh hoàn hảo với giá phản ảnh chi sản xuất cá nhân và sản lượng tối ưu cá nhân ở điều kiện MC = P.

Cơ chế và khả năng áp dụng 

Chúng ta cần nghiên cứu hiệu quả của tiền trợ cấp đối với kiểm soát ô nhiễm, trước hết nghiên cứu hiệu quả của thuế đối với một hãng và toàn bộ ngành, trên cơ sở lí luận chung đó để xem xét đối với tiền phụ cấp. 

Hiệu quả của thuế đối với hãng và ngành: trên hình 1 bên trái cho thấy, khi có thuế sẽ đẩy đường chi phí bình quân (AC) và đường chi phí biên (MC) lên phía trên, điều này dẫn đến điểm cân bằng tạm thời mới, nơi mà giá cả hiện hành (P) bằng chi phí biên mới ứng với mức sản lượng q1. 

Nhưng giá cả bây giờ sẽ thấp hơn chi phí bình quân mới (AC + thuế), do vậy công ty sẽ ra khỏi ngành công nghiệp vì sản xuất sẽ thua lỗ, chuyển đường cung S sang bên trái thành S1. 

Do đó một cân bằng mới lâu hơn tương ứng với P1 và Q1 đối với ngành, và tương ứng với P1 và q đối với hãng. Điều này diễn ra đúng theo các nhà quản lí mong đợi vì nó sẽ làm giảm sản lượng và giảm ô nhiễm. 

Hiệu quả của tiền trợ cấp đối với hãng và ngành: Việc phân tích tiền trợ cấp đối với hãng hay đối với ngành sẽ phức tạp và khó khăn hơn đối với thuế. 

Khi có tiền trợ cấp sẽ làm thay đổi chi phí biên (MC) của hãng. Nếu tiền trợ cấp bằng thuế thì đường cong chi phí biên (MC) sẽ chuyển thành (MC + trợ cấp) giống như (MC + thuế). Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy bởi vì khi các hãng mở rộng sản xuất họ sẽ mất khoản tiền có thể nhận được do giảm ô nhiễm. 

Mất tiền cũng có nghĩa là mất mát tài chính nên đường cong chi phí biên (MC) mới vượt lên giống như (MC + t). Nhưng đường cong chi phí bình quân (AC) đối với hãng sẽ giảm xuống thành đường cong (AC - trợ cấp) nằm dưới đường cong AC ban đầu. 

Sự cân bằng trong ngắn hạn là nơi mà giá (P) bằng chi phí biên mới, tức tại q1, giống như đối với thuế. Sự phản ứng trong ngắn hạn của hãng đối với trợ cấp sẽ giống như đối với thuế, không có gì khác nhau giữa chúng. 

Trong ngắn hạn, giá P sẽ vượt quá chi phí bình quân mới (AC- phụ cấp), do đó có nhiều hãng mới sẽ gia nhập ngành công nghiệp vì sản xuất có lãi, đẩy đường cung từ S sang S2. Cân bằng mới xuất hiện tại (P2,Q2) đối với toàn ngành và (P2,q2) đối với hãng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Tài nguyên Môi trường, TS. Nguyễn Văn Song - TS. Vũ Thị Phương Thụy, 2006, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)

Tuyết Nhi