Mô hình đường cầu gãy khúc (Kinked Demand Curve model) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: dreamstime)
Mô hình đường cầu gãy khúc
Khái niệm
Mô hình đường cầu gãy khúc trong tiếng Anh gọi là: Kinked Demand Curve model.
Mô hình này dựa trên giả định rằng, khi một doanh nghiệp giảm giá nhằm mở rộng thị trường, các đối thủ sẽ giảm giá theo để cố gắng giữ nguyên được thị phần của mình. Song nếu doanh nghiệp tăng giá, các đối thủ sẽ không thay đổi giá nhằm đẩy doanh nghiệp trên vào vị thế khó khăn trên thị trường.
Giả sử doanh nghiệp đang sản xuất với sản lượng là q0 và định giá P0 cho mỗi đơn vị sản lượng. Có thể coi trạng thái xuất phát này như một trạng thái cân bằng mà ở đó các đối thủ không có phản ứng gì.
Khi doanh nghiệp này tăng giá, vì các doanh nghiệp khác không tăng giá theo nên lượng hàng mà doanh nghiệp có khả năng bán được sụt giảm mạnh. Đường cầu đối diện với doanh nghiệp ở phần nằm phía trên điểm xuất phát A, tương ứng với các mức giá cao hơn P0, co giãn mạnh theo giá.
Ngược lại, khi doanh nghiệp giảm giá, phản ứng của các đối thủ là giảm giá theo khiến cho doanh nghiệp không có lợi thế gì để mở rộng thị phần.
Với những mức giá thấp hơn P0, doanh nghiệp vẫn có thể bán được lượng hàng nhiều hơn do hiệu ứng giảm giá chung trên toàn bộ thị trường khiến những người tiêu dùng tăng lượng cầu của mình.
Tuy nhiên phản ứng của các doanh nghiệp khác làm cho lượng hàng mà doanh nghiệp có thể bán được tăng lên không nhiều. Doanh nghiệp đối diện với một phần đường cầu ít co giãn hơn ở phía dưới điểm A, tương ứng với những mức giá thấp hơn P0.
Đường cầu D mà doanh nghiệp đối diện bị gãy khúc ở điểm A kéo theo sự ngắt quãng của đường doanh thu biên MR tại mức sản lượng q0. Doanh thu biên đột ngột giảm xuống tại mức sản lượng q0 khi đường cầu D thay đổi độ dốc của mình và chuyển từ phần cầu co giãn sang phần cầu kém co giãn.
Với đường cầu gãy khúc như vậy, sản lượng q0 và mức giá P0 là tối ưu đối với doanh nghiệp khi đường MC của nó nằm ở vị trí như trên đồ thị.
Thậm chí, khi chi phí của doanh nghiệp thay đổi, đường MC dịch chuyển song vẫn cắt đường MR ở khoảng EF dọc theo trục thẳng đứng tại mức sản lượng q0, sản lượng này vẫn là lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp.
Rõ ràng, mô hình đường cầu gãy khúc cho thấy, trên thị trường độc quyền nhóm, các doanh nghiệp riêng biệt có xu hướng giữ ổn định sản lượng và giá cả trong một giới hạn nhất định, bất chấp sự thay đổi của chi phí.
Đương nhiên, nếu chi phí thay đổi mạnh, khiến cho đường MC dịch chuyển,chẳng hạn, thành MC1, doanh nghiệp sẽ buộc phải thay đổi sản lượng và giá cả.
Hình 1: Mô hình đường cầu gãy khúc.
Đường cầu D đối diện với doanh nghiệp gãy khúc ở điểm A làm cho đường MR trở thành một đường đứt đoạn. Nếu sự dịch chuyển của đường MC chỉ khiến nó cắt đường MR trong khoảng EF, doanh nghiệp sẽ không thay đổi mức giá cũng như sản lượng đã chọn.
Mô hình đường cầu gãy khúc không giải thích mức giá P0 được hình thành như thế nào. Nó chỉ cho chúng ta thấy tình thế khó khăn mà một doanh nghiệp độc quyền nhóm riêng biệt mắc phải khi nó muốn thay đổi mức giá này.
Bởi vậy, mức giá xuất phát P0 có thể được coi là mức giá cấu kết, được sự chấp nhận chung của các doanh nghiệp khác trên thị trường. Vì nó được hình thành trên cơ sở các thỏa thuận, các doanh nghiệp đối thủ sẽ phản ứng theo kiểu trả đũa hay trừng phạt nếu một doanh nghiệp riêng biệt muốn thay đổi mức giá này.
Chỉ khi toàn bộ đường cầu chung của thị trường hay chi phí chung của ngành thay đổi, mức giá cấu kết P0 mới thay đổi. Khi đó, đường cầu gãy khúc của mỗi doanh nghiệp riêng biệt sẽ dịch chuyển vì điểm giá P0 đã thay đổi.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)