|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vốn hiện vật (Physical capital) trong kinh tế vi mô là gì?

20:42 | 14/09/2019
Chia sẻ
Vốn hiện vật (tiếng Anh: Physical capital) trong kinh tế vi mô là yếu tố đầu vào thực sự của quá trình sản xuất.
29a446224ddd4e2387068d08babaf4a5

Hình minh họa (Nguồn: sohu)

Vốn hiện vật 

Khái niệm

Vốn hiện vật trong tiếng Anh gọi là: Physical capital.

Vốn hiện vật được hiểu là các dự trữ hàng hóa, vốn dĩ được tạo ra trong một quá trình sản xuất trước song lại được sử dụng để sản xuất ra các hàng hóa hay dịch vụ khác. 

Nhà xưởng, máy móc, thiết bị, các công cụ sản xuất… là những hình thức biểu hiện khác nhau của vốn hiện vật. Chúng là những thứ nói chung là do con người tạo ra song lại không được sử dụng như những vật phẩm tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của con người. 

Chúng được sử dụng trong quá trình sản xuất như một yếu tố đầu vào bên cạnh các đầu vào khác như lao động, đất đai… Cùng với đất đai, vốn hiện vật là những tài sản hữu hình quan trọng của các doanh nghiệp và của nền kinh tế. 

Chúng là tài sản vì chúng có thể tồn tại và sử dụng lâu bền, có thể bảo lưu và giữ gìn giá trị trong một thời gian dài. Chúng mang tính chất hữu hình bởi vì chúng là những yếu tố đầu vào thực sự, tồn tại dưới dạng hiện vật mà người ta có thể sờ mó, cảm nhận được. 

Chỉ có vốn với tư cách là vốn hiện vật (đôi khi trong thực tế chúng ta thường nói tắt vốn hiện vật là vốn) mới thực sự là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. 

Điều đó dĩ nhiên khác với vốn tài chính (tiền, các loại giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu…) là những thứ không thể sử dụng để trực tiếp tạo ra các hàng hóa hay dịch vụ khác được, mặc dù người ta có thể dùng chúng để mua hay chuyển đổi thành những yếu tố sản xuất thực sự.

Vốn hiện vật là một loại yếu tố sản xuất có thể phục vụ lâu dài cho nhiều quá trình sản xuất khác nhau. Một loại tài sản lâu bền mà người sở hữu nó có thể khai thác được các dòng lợi ích nhất định trong những khoảng thời gian nhất định. 

Vì thế, đối với các giao dịch liên quan đến vốn hiện vật, chúng ta cần phân biệt hai loại thị trường: thị trường dịch vụ vốn hiện vật và thị trường vốn hiện vật.

Thị trường dịch vụ vốn hiện vật

Dịch vụ thể hiện một dòng lợi ích người ta có thể thu nhận được trong một khoảng thời gian nhất định, phát sinh từ những vật thể hữu hình hay sự phục vụ của người khác. 

Dịch vụ vốn (hiện vật) chính là dòng lợi ích mà người ta có thể khai thác được ở hàng hóa vốn (máy móc, thiết bị, nhà xưởng…) trong một khoảng thời gian nào đó. 

Khi chúng ta muốn sử dụng dịch vụ của chiếc máy cày trong 8 giờ đồng hồ để cày ruộng, chúng ta không phải mua cả chiếc máy cày đó mà chỉ cần thuê nó trong khoảng thời gian cần thiết trên. Thuê chiếc máy cày có nghĩa là ta đã tham gia vào thị trường dịch vụ vốn. 

 Thị trường dịch vụ vốn chính là thị trường thuê và cho thuê tài sản vốn. Cái mà người ta mua, bán ở đây không phải là chính bản thân tài sản vốn mà chỉ dịch vụ vốn. Đơn vị tính ở đây bao giờ cũng gắn với yếu tố thời gian. 

Ví dụ chúng ta không thể nói thuê 10 chiếc máy cày chung chung mà là thuê 10 chiếc mày cày trong 8 giờ. Lượng dịch vụ máy mà chúng ta thuê ở đây là 80 giờ máy. Giá cả ở đây không phải là giá mua, bán tài sản vốn mà tiền thuê một đơn vị dịch vụ vốn.

Thị trường vốn hiện vật

Đối tượng mua, bán trên thị trường vốn hiện vật (chứ không phải là thị trường dịch vụ vốn) chính là tài sản vốn. Người mua tài sản vốn (máy móc, thiết bị…) là muốn sở hữu hoàn toàn nó. 

Người bán tài sản vốn cũng là người chuyển giao hoàn toàn quyền sở hữu tài sản vốn cho người khác. Giá mua, bán ở đây là giá mua, bán đứt tài sản vốn. Lượng giao dịch trên thị trường này là số lượng vốn hiện vật được đo theo những đơn vị tự nhiên của nó.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)

Tuyết Nhi