|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho năm 2022 vẫn còn 6 triệu tấn, giá đường có thể chịu áp lực trong ngắn hạn

07:18 | 27/03/2023
Chia sẻ
VCBS nhận định trong thời gian tới, giá đường có thể chịu áp lực do nguồn cung dư thừa khoảng 6 triệu tấn từ tồn kho năm 2022, đồng thời cũng có khả năng Chính phủ gia tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu để bổ sung đường trong nước trong 2023.

Trong báo cáo ngành đường quý I/2023, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết sản lượng đường sản xuất niên vụ 2021-2022 đạt 949.200 tấn, trong đó đường từ mía là 746.900 tấn, chiếm 79%, tăng 8% so với niên vụ trước.

Trong niên vụ 2021-2022, diện tích mía thu hoạch giảm nhẹ 4% nhưng năng suất mía lại cao hơn, khoảng 64,6 tấn/ha giúp sản lượng mía được đưa vào sản xuất tăng 12% so với niên vụ 2020-2021.

(Nguồn: VCBS)

Tổng cung đường năm 2022 ước tính đạt là 2,8 triệu tấn, lớn hơn so với tổng cầu khoảng 2,1-2,3 triệu. Trong khi đó, tỷ trọng đường nội địa vẫn hạn chế ở mức 27%, đường nhập lậu tăng mạnh trong 2022 chủ yếu từ Thái Lan được xuất khẩu gián tiếp qua Lào và Campuchia.

“Dù cân bằng cung cầu dư thừa trong năm qua, giá đường nội địa Việt Nam vẫn tăng giá đáng kể nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách chống bán phá giá”, VCBS nhận định.

Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).

Biện pháp này đã bắt đầu phát huy tác dụng bảo hộ đối với ngành đường trong nước kể từ tháng 8/2022, khi sản lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia giảm rõ rệt so với niên vụ trước.

Tổng sản lượng đường nhập khẩu cả năm 2022 đã giảm 13% so với năm 2021, nguồn nhập thay thế chủ yếu đến từ Australia và Indonesia. Nhờ đó, giá thu mua mía cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1,05 – 1,1 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung.

(Nguồn: VCBS) 

VCBS kỳ vọng giá đường RS sẽ duy trì cao, dao động trung bình quanh 18.000 – 18.500 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ đường dự kiến tăng nhẹ lên mức 2,3 – 2,4 triệu tấn/năm, đồng thời giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế thúc đẩy nhu cầu với đường trong nước.

Giá đường nhập khẩu từ Thái Lan và có nguồn gốc Thái Lan (Lào, Campuchia) sau khi áp thuế chống bán phá giá, ước tính khoảng 22.000 đồng/kg, cao hơn giá đường Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam 10-15%.

VCBS cho rằng Indonesia và Australia trở thành nguồn cung nhập khẩu đường hiện tại của Việt Nam, tuy nhiên điều này khó duy trì lâu dài do Indonesia không có lợi thế về xuất khẩu đường. Mặt khác, diện tích trồng mía tại Australia không đủ lớn để có mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá đường có thể chịu áp lực do nguồn cung tạm thời đang dư thừa khoảng 6 triệu tấn từ tồn kho năm 2022, đồng thời cũng có khả năng Chính phủ gia tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu để bổ sung đường trong nước trong 2023.

Hoàng Anh

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.