Tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán (Listing requirements) là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: asx.com.au)
Tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán
Khái niệm
Tiêu chuẩn niêm yết trong tiếng Anh được gọi là listing requirements.
Tiêu chuẩn niêm yết thông thường do Sở giao dịch chứng khoán của mỗi quốc gia qui định, dựa trên cơ sở thực trạng của nền kinh tế.
Tiêu chuẩn niêm yết là các điều kiện về tài chính của công ty, chính sách khuyến khích hay hạn chế niêm yết.
Nội dung và sự thắt chặt của các qui định niêm yết của mỗi nước hay mỗi Sở giao dịch chứng khoán được qui định khác nhau. Thông thường, ở các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển, các tiêu chuẩn niêm yết chặt chẽ hơn các thị trường mới nổi.
Tiêu chuẩn về niêm yết
Tiêu chuẩn về niêm yết được qui định dưới hai hình thức: tiêu chuẩn định lượng và tiêu chuẩn định tính.
- Tiêu chuẩn định lượng
+ Thời gian hoạt động từ khi thành lập công ty: công ty niêm yết phải có một nền tảng kinh doanh hiệu quả và thời gian hoạt động liên tục trong một số năm nhất định tính đến thời điểm xin niêm yết.
Thông thường, đối với các thị trường chứng khoán truyền thống công ty niêm yết phải có thời gian hoạt động tối thiểu 3-5 năm, hoặc cổ phiếu đã từng được giao dịch trên thị trường phi tập trung.
+ Qui mô và cơ cấu sở hữu cổ phần công ty: qui mô của một công ty niêm yết phải đủ lớn để tạo nên tính thanh khoản tối thiểu cho chứng khoán của công ty.
Ví dụ: công ty niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Việt Nam phải có vốn cổ phần tối thiểu 10 tỉ đồng. Có cơ cấu vốn của các cổ đông bên ngoài công ty tối thiểu là 20% vốn cổ phần, cổ đông sáng lập phải nắm giữ tối thiểu 20% vốn cổ phần và phải nắm giữ trong vòng 3 năm không được phép bán ra kể từ ngày phát hành.
+ Lợi suất thu được từ vốn cổ phần: Mức sinh lời trên vốn đầu tư (cổ tức) phải cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng kì hạn 1 năm. Hoặc số năm hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm xin niêm yết là 2-3 năm.
+ Tỉ lệ nợ: có thể là tỉ lệ nợ trên tài sản ròng của công ty, hoặc tỉ lệ vốn khả dụng điều chỉnh trên tổng tài sản nợ của công ty ở mức cho phép, nhằm bảo đảm duy trì tình hình tài chính lành mạnh của doanh nghiệp.
+ Sự phân bổ cổ đông: là xét đến số lượng và tỉ lệ cổ phiếu do các cổ đông thiểu số nắm giữ (thông thường 1%) và các cổ đông lớn (5%); tỉ lệ cổ phiếu do cổ đông sáng lập và cổ đông ngoài công chúng nắm giữ mức tối thiểu.
- Tiêu chuẩn định tính
+ Triển vọng của công ty
+ Phương án khả thi về sử dụng vốn của đợt phát hành
+ Ý kiến kiểm toán về các báo cáo tài chính
+ Cơ cấu tổ chức hoạt động của công ty
+ Mẫu chứng chỉ chứng khoán.
+ Lợi ích mang lại đối với ngành, nghề trong nền kinh tế quốc dân
+ Tổ chức công bố thông tin
Qui định niêm yết trong những trường hợp đặc biệt
Nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, các qui định về niêm yết cũng được qui định cụ thể ở một số ngành, nghề, lĩnh vực nhất định về vốn kinh doanh, thời gian hoạt động, lãi ròng hàng năm và số lượng cổ đông tối thiểu.
Ví dụ: các ngành kiến trúc xây dựng và công nghệ cao là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro nên tiêu chuẩn niêm yết thường đưa ra cao hơn. Còn các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công ty chứng khoán, do đặc thù về bản chất của hoạt động tài chính, nên tiêu chuẩn nợ trên vốn thường không xét đến, mà chỉ xét đến yếu tố lợi nhuận trên vốn cổ phần.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, 2018, NXB Tài chính)