Chỉ số giá cổ phiếu của Mỹ (American stock price index) là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: finance.zacks)
Chỉ số giá cổ phiếu của Mỹ
Khái niệm
Chỉ số giá cổ phiếu của Mỹ trong tiếng Anh được gọi là American stock price index.
Chỉ số giá cổ phiếu nói chung là thông tin thể hiện giá chứng khoán bình quân hiện tại so với giá bình quân thời kì gốc đã chọn.
Các chỉ số giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Mỹ bao gồm
Chỉ số Dow Jones (Dow Jones Average)
Chỉ số Dow Jones là chỉ số giá chứng khoán, phản ánh sự biến động bình quân của giá chứng khoán thuộc thị trường chứng khoán New York, một thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.
Chỉ số Dow Jones hiện nay là chỉ số giá chung của 65 chứng khoán đại diện, thuộc nhóm hàng đầu (Blue chip) trong các chứng khoán được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán NewYork.
Nó bao hàm 3 chỉ số thuộc 3 nhóm ngành: Công nghiệp DJIA (DowJones Industrial Average), Vận tải DJTA (Dow Jones Transportation Average) và Dịch vụ DJUA (Dow Jones Utilities Average).
Chỉ số DJIA (DowJones công nghiệp)
Chỉ số Dow Jones công nghiệp là chỉ số lâu đời nhất ở Mỹ do ông Charles H.Dow cùng với công ty mang tên ông thu thập giá đóng cửa của chứng khoán để tính và công bố trên Wall Street Journal từ năm 1896.
Khởi đầu công ty chỉ tính giá bình quân số học của 12 cổ phiếu. Ngày tính đầu tiên là ngày 26/5/1896 với mức giá bình quân ngày này là 40,94$.
Năm 1916, số lượng cổ phiếu để tính chỉ số là 20 cổ phiếu và năm 1928 tăng lên là 30 cổ phiếu và giữ nguyên số lượng này cho đến ngày nay.
Trong quá trình đó thường xuyên có sự thay đổi các công ty trong nhóm Top 30. Mỗi khi có công ty chứng tỏ là không thuộc tiêu chuẩn Top 30 của các cổ phiếu Blue Chip nữa thì sẽ có công ty khác thay thế.
Chỉ số DJTA (Dow Jones vận tải)
Chỉ số này được công bố đầu tiên vào ngày 26/10/1896 và cho đến 2/1/1970 vẫn mang tên chỉ số công nghiệp đường sắt, vì thời gian này vận tải đường sắt là chủ yếu.
Chỉ số DJTA bao gồm 20 cổ phiếu của 20 công ty vận tải đại diện cho ngành đường sắt, đường thủy và hàng không được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán NewYork.
Chỉ số ngành phục vụ công cộng ( DJUA). Chỉ số này được công bố trên tờ báo Wall Street từ tháng 1 năm 1929. Chỉ số này được tính dựa vào giá đóng cửa của chứng khoán 15 công ty lớn nhất trong ngành khí đốt và điện.
Như vậy, tuy chỉ số DowJones chỉ tính đối với 65 loại cổ phiếu khác nhau nhưng khối lượng giao dịch của chúng chiếm đến hơn 3/4 khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán NewYork, bởi vậy, chỉ số DowJones thường phản ánh đúng xu thế biến động giá của thị trường chứng khoán Mỹ.
NASDAQ Composite Index (NASDAQCI – National Association of Securities Dealers Automated Quatation System)
Chỉ số chứng khoán này là chỉ số tổng hợp của 4700 công ty, kể cả của Mỹ và nước ngoài được niêm yết trên thị trường chứng khoán NASDAQ.
Ngày cơ sở là ngày 5/2/1971 với trị giá gốc là 100, có tính thêm các chỉ số phụ cho các nhóm ngành: ngân hàng, máy tính, công nghiệp, bảo hiểm, vận tải, tài chính khác và bưu chính viễn thông.
New York Stock Exchange lndex (NYSEI)
Là chỉ số tính theo phương pháp bình quân gia quyền giá trị cho tất cả các chứng khoán ở NYSE. Ngày cơ sở là ngày 31/12/1964, quyền số thay đổi theo giá trị thị trường.
Trị giá cơ sở là 50 USD và biến đổi của nó được thể hiện theo điểm. Các chỉ số phụ bao gồm chỉ số cho ngành công nghiệp, vận tải, phục vụ công cộng và chỉ số tổng hợp cho khu vực tài chính.
Amex Major Market Index (XMI) của Mỹ
Đây là chỉ số tính theo phương pháp gia quyền với quyền số giá cả của 20 cổ phiếu đang làm ăn phát đạt nhất (blue chip) trong ngành công nghiệp được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Mỹ.
Chỉ số này do AMEX tính và tương đối giống DJIA, trong đó có 15 cổ phiếu thuộc nhóm các cổ phiếu của DJIA.
Amex Market Value Index (XAM) của Mỹ
Chỉ số này do AMEX tính và công bố từ 4/9/1973, theo phương pháp tính gia quyền với quyền số là giá trị thị trường (quyền số giá trị).
Ngày gốc trong tháng 9/1973 bao gồm 800 cổ phiếu đại diện cho tất cả các ngành kĩ nghệ đang giao dịch trên Amex.
Dow Jones World Stock Index của Mỹ
Chỉ số này là chỉ số bình quân giá trị của 2600 công ty trên thế giới, đại diện cho 80% trị giá trị thường chứng khoán quốc tế.
Hiện tại, các công ty là đối tượng tính chỉ số này tập trung ở 25 nước thuộc các khu vực: Bắc Mỹ, Châu Âu và vùng Châu á, Thái Bình Dương.
Ngày gốc là ngày 31/12/1991 và trị giá gốc là 100. Chỉ số này được tính cho từng nhóm ngành, có phân theo vùng, quốc gia.
Chỉ số đối với từng nước tính theo đồng nội tệ, và USD, Pound của Anh, Mark của Đức, Yên của Nhật. Chỉ số cho vùng và thế giới được tính theo 4 loại ngoại tệ trên.
NASDAQ – 100 Index của Mỹ
Chỉ số được tính từ năm 1985 cho 100 công ty phi tài chính lớn nhất được niêm yết tại thị trường chứng khoán NASDAQ.
Chỉ số tính theo phương pháp bình quân gia quyền giá trị. Tất cả công ty tham gia chỉ số có mức vốn thị trường tối thiểu là 400 triệu USD vào tháng 10/1993 và được chọn theo tiêu thức trị giá giao dịch và tiêu biểu trên thị trường.
Tháng 2/1994 trị giá chỉ số giảm một nửa do chứng quyền (right) được đưa vào giao dịch tại Chicago Board Option Exchange.
Russell Indexes của Mỹ
Các chỉ số này do công ty Frank Rusell của Tacoma - Washington tính bằng phương pháp bình quân gia quyền giá trị.
Rusell 3000 Index bao gồm 3000 cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất. Ngoài ra có Rusell 1000, Rusell 2000, Rusell Top 200; Rusell 2500…
Chỉ số S&P 500 (Standard & poors) của Mỹ
Đây là chỉ số giá bình quân giá trị, tổng hợp của 500 loại cổ phiếu. Nó bao gồm các cổ phiếu được niêm yết trên NYSE, một số thuộc nhóm cổ phần của AMEX & NASDAQ.
Chỉ số này bao gồm 381 cổ phiếu thuộc ngành công nghiệp, 47 cổ phiếu thuộc các ngành dịch vụ công cộng, 56 cổ phiếu thuộc ngành tài chính và 16 cổ phiếu thuộc ngành vận tải và đại diện cho 74% trị giá trị trường của tất cả các cổ phiếu được giao dịch trên NYSE.
Ngoài ra, còn có chỉ số S&P 100, tính trên cơ sở S&P 500 và cách tính cũng tương tự như S & P 500.
Value Line Composite Average của Mỹ
Đây là chỉ số tổng hợp quyền số như nhau, bao gồm 1700 cổ phiếu của NYSE và AMEX và trên thị trường OTC.
Trị giá cơ sở là 100, ngày cơ sở là ngày 30/6/1961. Sự thay đổi chỉ số giá được tính theo điểm. Chỉ số này cũng tính cho 3 nhóm ngành: công nghiệp; vận tải; dịch vụ công cộng.
Wilshire 5000 Equity Index
Đây là chỉ số có phạm vi rộng nhất. Chỉ số này tính theo quyền số giá trị. Nó bao gồm hơn 6000 cổ phiếu giao dịch ở NYSE, AMEX, hệ thống thị trường quốc gia NASDAQ. Ngày cơ sở là ngày 31/12/1980.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, 2018, NXB Tài chính)