|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tích tụ đất đai (Land accumulation) là gì? Các phương thức tích tụ

09:09 | 29/05/2020
Chia sẻ
Tích tụ đất đai (tiếng Anh: Land accumulation) là một hành vi trong đó chủ thể sở hữu và sử dụng ruộng đất dùng các biện pháp khác nhau như mua, chuyển nhượng và các biện pháp khác nhằm tăng được qui mô ruộng đất mà mình sở hữu và sử dụng.
Tích tụ đất đai (Land accumulation) là gì? Các phương thức tích tụ - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: vietnamplus)

Tích tụ đất đai 

Khái niệm

Tích tụ đất đai trong tiếng Anh được gọi là Land accumulation.

Tích tụ đất đai là một hành vi trong đó chủ thể sở hữu và sử dụng ruộng đất dùng các biện pháp khác nhau như mua, chuyển nhượng và các biện pháp khác nhằm tăng được qui mô ruộng đất mà mình sở hữu và sử dụng.

Phương thức tích tụ đất đai

Các phương thức để tích tụ đất đai là thị trường, được thừa kế, được tặng, cho. Trong đó, cơ chế thị trường là phương thức tích tụ cơ bản nhất. Các chính phủ đều thừa nhận đất đai là hàng hoá đặc biệt và để tạo điều kiện cho các hoạt động giao dịch thị trường (Market transaction) để có thể tích tụ đất đai.

Để có được thị trường đất đai, phần lớn các quốc gia đều xác lập quyền đa sở hữu về đất đai bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân. Quyền sở hữu tư nhân là cơ sở hình thành và đảm bảo quyền tài sản về đất đai (Land property rights). 

Ngoài ra, chủ đất có thể được tặng và cho. Điều này được diễn ra trong các quan hệ gia đình, họ hàng trong các vùng nông thôn. Điều quan trọng là cơ quan nhà nước hợp pháp hoá việc thừa kế hay tặng, cho này để đảm bảo quyền sở hữu hay quyền sử dụng về đất đai. 

Tuy vậy, cơ chế thị trường vẫn là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự tích tụ đất đai. Sự tích tụ đất đai lâu dài sẽ có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong sở hữu về đất đai: sẽ có những người sở hữu rất nhiều đất và sẽ có những nông dân không đất. 

Để hạn chế sự bất bình đẳng này, các chính phủ đều công bố chính sách hạn điền, qui định mức tối đa mà cá nhân, hộ có thể sở hữu. Chính sách hạn điền được thực hiện khá mạnh như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng ít hữu hiệu ở Thái Lan, Philippines.

Cũng có ý kiến cho rằng việc tích tụ đất đai theo cơ chế thị trường có thể dẫn đến tình trạng nông dân không đất. 

Cần thấy rằng nông dân khác nhau về trình độ, kĩ năng và nguồn lực. Chỉ có những nông dân có kết quả sản xuất thấp hơn so với lợi ích đi làm thuê hoặc những nông dân có thu nhập khác cao hơn từ sản xuất nông nghiệp mới nhượng quyền sử dụng đất của mình cho người khác. 

Vì thế, cần chấp nhận một bộ phận nông dân không đất để bổ sung vào thị trường sức lao động hơn.

Phân biệt với tập trung đất đai

- Điểm giống nhau của hai khái niệm trên là đều là quá trình tăng qui mô diện tích đất đai phục vụ mục đích kinh tế nhất định. 

- Tuy nhiên, chúng có điểm khác nhau cơ bản: 

+ Tích tụ ruộng đất là một quá trình mà một cá nhân tích góp bằng việc mua hay các biện pháp khác để có thể sở hữu được nhiều diện tích hơn.

+ Còn tập trung ruộng đất là liên kết nhiều mảnh ruộng của nhiều chủ sở hữu khác nhau lại thành mô hình cánh đồng lớn.

Mục tiêu cơ bản của tích tụ đất là để sở hữu được diện tích lớn, trong khi đó, tập trung đất đai không vì mục tiêu sở hữu đất mà tạo điều kiện để sản xuất và kinh doanh một sản phẩm nào đó với qui mô tập trung. 

Tập trung đất không làm thay đổi sở hữu đất như ở tích tụ đất mà chỉ thay đổi cách thức quản lí sử dụng đất đai hợp lí và hiệu quả hơn.

(Tài liệu tham khảo: Tích tụ và tập trung đất đai: Cơ sở lí luận và thực tiễn cho phát triển nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam, Đỗ Kim Chung, Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, 2018)

Diệu Nhi