Thủy triều nhen nhóm hy vọng giải thoát siêu tàu mắc cạn ở Suez
Đầu ngày 28/3 (theo giờ địa phương), công ty Bernhard Schulte Shipmanagement - đơn vị quản lý siêu tàu Ever Given, cho biết nước đã tràn vào hai bể chứa trong thân tàu, nhưng con tàu vẫn tạm ổn. "Mũi tàu bị kẹt trong một khối đá và điều này gây khó khăn hơn cho công tác cứu hộ", một thành viên của Bernhard chia sẻ.
Một số nguồn tin thân cận của Wall Street Journal còn cho biết gió mạnh cũng cản trở việc cứu hộ, nên họ chỉ có thể quay lại giải cứu con tàu container khổng lồ từ ngày 29/3. Trước đó, các chuyên gia gợi ý rằng kênh đào Suez có thể được khơi thông sớm nhất vào ngày 27/3.
Một đội cứu hộ đã cố gắng giải phóng bánh lái của chiếc Ever Given và khởi động lại động cơ sau khi gió lớn khiến siêu tàu đi chệch hướng và chắn ngang một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới từ tối ngày 23/3. Theo cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), hiện có khoảng 320 tàu biển đang chờ đợi để được đi qua con kênh kéo dài hơn 190 km này.
Hoạt động nạo vét vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 28/3 trước khi đội cứu hộ lên kế hoạch khác để giải cứu tàu Ever Given. Hiện tại, họ đang hy vọng thủy triều diễn ra vào mùa xuân - dự kiến xuất hiện vào tối ngày 28/3, sẽ giúp con tàu nổi lên và đội cứu hộ không cần phải tháo dỡ container trên tàu để giảm trọng tải.
Theo ghi nhận của Bloomberg, khá nhiều chuyên gia cảnh báo công tác giảm tải cho siêu tàu container nặng hơn 220.000 tấn sẽ rất hao tổn sức lực và thời gian, có thể kéo dài nhiều ngày hoặc một vài tuần vì máy móc chuyên dụng rất khó tìm và đắt đỏ.
"Chúng tôi mong đội cứu hộ sẽ không phải dùng đến kịch bản tháo dỡ hàng nghìn container ra khỏi Ever Given, nhưng dù sao chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý", ông Osama Rabie - Chủ tịch SCA, cho hay. Cũng theo ông Rabie, đây đều là chỉ thị của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
SCA đã yêu cầu công ty cứu hộ Hà Lan Smit Salvage đánh giá loại tàu nào phù hợp để phục vụ công tác dỡ container khỏi chiếc Ever Given. Các chuyên gia của Smit Salvage đã bay đến địa điểm mắc kẹt của siêu tàu từ ngày 25/3.
Ông Tom Sharpe - một sỹ quan Hải quân Anh đã nghỉ hưu, cho biết đội cứu hộ có thể sẽ theo dõi sát mực nước thủy triều để giúp giải phóng con tàu khổng lồ. Khi trăng tròn vào ngày 28/3, mực nước thủy triều sẽ dâng cao hơn bình thường và triều xuống sẽ thấp hơn, tác động của đợt thủy triều sẽ kéo dài trong những ngày tiếp theo.
"Thủy triều sẽ dâng cao hơn thời điểm tàu Ever Given mắc cạn nên về lý thuyết, nó mang đến cơ hội tốt cho đội cứu hộ", ông Sharpe nhấn mạnh.
Ông Lars Mikael Jensen, quản lý cấp cao của tập đoàn vận tải biển Maersk, nhận định ngày 29/3 sẽ là "thời điểm quan trọng vì trong vài ngày qua, tất cả các tàu lai dắt đã được đặt vào vị trí" và chỉ cần thủy triều dâng cao để kéo siêu tàu ra khỏi chỗ mắc cạn.
"Tùy thuộc vào diễn biến sau đó, tình hình có thể xấu đi vì có thể họ sẽ phải dùng đến cách hút nước dằn của con tàu để giảm tải. Tháo dỡ container ở vị trí chiếc Ever Given bị kẹt sẽ vô cùng gian nan", ông Jensen tiếp tục.
SCA cho biết gió lớn kèm theo bão cát là yếu tố khiến mũi tàu Ever Given đâm vào bờ phía đông của kênh đào, tuy nhiên các nhà điều tra vẫn chưa thể loại trừ lỗi do con người hoặc trục trặc kỹ thuật gây ra.
Giải phóng siêu tàu container này sẽ phần nào giảm bớt áp lực đang chồng chất lên ngành vận tải biển và dòng chảy dầu khí, hàng tiêu dùng giữa châu Á và châu Âu. Dù doanh nghiệp Á - Âu sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất, việc kênh đào Suez đóng cửa quá lâu còn đe dọa làm chậm trễ các chuyến hàng cũng như kéo chi phí của các nhà xuất - nhập khẩu Mỹ lên cao.
Cuối tuần trước, Nhà Trắng đã đề nghị hỗ trợ khơi thông tuyến đường thủy huyết mạch. Hy Lạp, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng sẵn sàng giúp sức nhưng SCA cho biết họ chưa chấp nhận lời đề nghị nào.
Nếu các đội cứu hộ không nhanh chóng giải thoát tàu Ever Given, thiệt hại sẽ càng thêm nghiêm trọng. Sea-Intelligence, một tổ chức phân tích dữ liệu tại Copenhagen (Đan Mạch) cảnh báo việc các tàu đi vòng để tránh tắc nghẽn ở Suez có thể khiến công suất vận tải biển giảm 6% vì tàu thuyền sẽ phải đi theo hải trình dài hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu.