|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thương lượng tập thể (Collective Bargaining) là gì? Lợi ích của thương lượng tập thể

09:58 | 18/11/2019
Chia sẻ
Để tham gia thương lượng tập thể (tiếng Anh: Collective Bargaining) hiệu quả, các bên này phải được quyền đại diện đầy đủ cho quyền lợi của người mà họ bảo vệ, độc lập với bên kia trong thương lượng và độc lập với các cơ quan công quyền.
collective-bargaining-1-638

Hình minh họa (Nguồn: Creative Crew)

Thương lượng tập thể (Collective Bargaining)

Khái niệm

Thương lượng tập thể trong tiếng Anh là Collective Bargaining.

Công ước số 154 của ILO về Thương lượng tập thể (Điều 2) định nghĩa thương lượng tập thể như sau:

Thương lượng tập thể "là tất cả các cuộc đàm phán/ thương lượng diễn ra giữa một bên là một Người sử dụng lao động, một nhóm người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động, với một bên là một hay nhiều tổ chức của Người lao động, để:

+ Qui định những điều kiện lao động và sử dụng lao động;

+ Giải quyết những mối quan hệ giữa những người sử dụng lao động với những người lao động;

+ Giải quyết những mối quan hệ giữa những người sử dụng lao động hoặc các tổ chức của họ với một hoặc nhiều tổ chức của người lao động. 

(Tài liệu tham khảo: Công ước số 154 của ILO về Thương lượng tập thể, Điều 2)

Lợi ích của thương lượng tập thể

Thương lượng tập thể là một nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động bởi vì thương lượng tập thể:

- giúp cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc, đồng thời, góp phần giảm sự bất bình đẳng tiền lương trong doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp

- là một công cụ hỗ trợ khả năng thích ứng của doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời kì khủng hoảng kinh tế

- giúp xây dựng sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức của họ, góp phần xây dựng quan hệ lao động ổn định và hiệu quả.

Các bên tham gia thương lượng tập thể

Các bên tham gia thương lượng tập thể có thể là:

- một hay nhiều người sử dụng lao động; hoặc

- một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động; với

- một hay nhiều tổ chức của người lao động

Để tham gia thương lượng tập thể hiệu quả, các bên này phải được quyền đại diện đầy đủ cho quyền lợi của người mà họ bảo vệ, độc lập với bên kia trong thương lượng và độc lập với các cơ quan công quyền.

Một số nguyên tắc cơ bản của thương lượng tập thể thực chất

- Việc thừa nhận quyền thương lượng tập thể là một trong các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động và các quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện một cách thiện chí các nguyên tắc này với tư cách là thành viên của ILO.

- Người sử dụng lao động và các tổ chức của họ cũng như các tổ chức của người lao động phải có quyền thương lượng tập thể ở mọi cấp

- Quyền thương lượng tập thể áp dụng với mọi người lao động trong khu vực nhà nước và tư nhân, trừ trường hợp ngoại lệ duy nhất liên quan đến lực lượng vũ trang, cảnh sát và các công chức Nhà nước; các ngoại lệ này phải được qui định chặt chẽ.

- Thương lượng tập thể phải tự do và tự nguyện, tôn trọng nguyên tắc tự chủ của các bên.

- Trong một đơn vị thương lượng tập thể, công đoàn đại diện cho đa số hoặc chiếm tỉ lệ lớn người lao động sẽ được hưởng đặc quyền thương lượng hoặc quyền ưu tiên trong thương lượng song trong trường hợp không có công đoàn nào đáp ứng được điều kiện này để được hưởng quyền thương lượng, ít nhất các công đoàn đại diện cho thiểu số người lao động cũng được quyền thương lượng thỏa ước tập thể hoặc thương lượng thỏa ước trực tiếp thay mặt đoàn viên của mình.

- Thương lượng tập thể phải được phép ở tất cả các cấp, cả cấp quốc gia lẫn cấp doanh nghiệp. Các liên đoàn và tổng liên đoàn cũng phải được phép thương lượng tập thể.

- Nguyên tắc thương lượng thiện chí thể hiện ở các nghĩa vụ khác nhau của các bên liên quan, cụ thể là:

(i) công nhận các tổ chức đại diện;

(ii) cố gắng đạt được thỏa thuận;

(iii) tham gia vào các cuộc thương lượng một cách thực chất và mang tính xây dựng;

(iv) tránh sự chậm trễ mà không có lí do chính đáng trong thương lượng;

(v) cùng nhau tôn trọng những cam kết đưa ra và kết quả đạt được từ thương lượng.

(Tài liệu tham khảo: Dự án quan hệ lao động Việt Nam-ILO, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam VIE/12/01/USA)

TH