Thu nợ chiết khấu là gì? Lợi ích và những hạn chế
Hình minh hoạ (Nguồn: businesstimes)
Thu nợ chiết khấu
Khái niệm
Thu nợ chiết khấu hay thu nợ có chiết khấu tạm dịch sang tiếng Anh là Discounted debt collection.
Thu nợ chiết khấu là hình thức giảm trừ vào giá bán trong trường hợp mua/bán với một số lượng cụ thể, mang lại lợi ích trong việc đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ, giảm chi phí trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi…
Đây cũng là phương pháp mà chủ nợ khuyến khích khách nợ trả nợ trước thời hạn đã thỏa thuận thông qua việc giảm trừ giá trị khoản nợ có áp dụng biện pháp dòng tiền chiết khấu nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa rủi ro cho chủ nợ trong quá trình thu hồi nợ.
Đối tượng áp dụng
Phương pháp áp dụng đối với các đối tượng khách nợ có khả năng thanh toán sớm khoản nợ trong vòng 06 tháng kể từ khi 02 bên kí kết hợp đồng hoặc đối với các khách nợ có khả năng tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh để có nguồn trả nợ trong trung, dài hạn.
Lợi ích
Áp dụng hình thức xử lí nợ bằng phương pháp "Thu nợ có chiết khấu" mang lại những lợi ích to lớn cho các bên tham gia, đối với khách nợ là giảm nghĩa vụ trả nợ, có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời đối với chủ nợ là thu hồi dòng tiền chắc chắn, tiết kiệm chi phí thu hồi, xử lí nợ so với những hình thức xử lí nợ khác.
Hạn chế
Trong hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước làm chủ sở hữu hiện nay, việc áp dụng phương pháp "Thu nợ chiết khấu" về bản chất là giảm trừ giá trị khoản nợ, xóa nợ phải tuân thủ các qui định tại Thông tư số 135/2015/TT-BTC về điều lệ hoạt động.
Tuy nhiên, theo qui định của Thông tư số 135/2015/TT-BTC, DATC chỉ được giảm nợ, xóa nợ theo khung nhất định mà chưa thể chủ động quyết định phương án giảm nợ, xóa nợ trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả phương án xử lí nợ, bảo toàn vốn Nhà nước.
Điều này làm giảm sự cạnh tranh của các công ty xử lí nợ nói chung và DATC nói riêng với các tổ chức xử lí nợ tư nhân, khi mà các tổ chức xử lí nợ tư nhân hoàn toàn có thể chủ động áp dụng phương pháp này mà không bị điều chỉnh pháp luật do hoàn toàn chủ động về cơ chế hoạt động và nguồn lực tài chính.
(Tài liệu tham khảo: Tạp chí tài chính - Cơ quan thông tin của Bộ tài chính)