Thu hẹp qui mô, cắt giảm nhân sự và di dời sản xuất: Kịch bản tồi tệ của nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: New York Times)
Lo ngại thương chiến Mỹ - Trung sẽ kéo dài trong nhiều năm đang trở nên sâu sắc thêm sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc vào tuần trước.
Theo South China Morning Post, thuế quan mới (có hiệu lực từ ngày 1/9) chủ yếu nhắm vào các sản phẩm tiêu dùng, gồm đồ chơi, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.
"Mũ bảo hiểm thông minh của chúng tôi vẫn chưa nằm trong danh sách thuế, nhưng có thể bị đánh thuế bất cứ lúc nào. Cuối cùng, chúng tôi đã buộc phải bắt đầu kế hoạch di dời sản xuất vào tháng trước", ông Norman Cheng, chủ sở hữu của Strategic Sports, cho hay.
Strategic Sports là một công ty lớn, chuyên sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp, xe máy và thể thao mạo hiểm tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông do các nhà đầu tư Hong Kong rót vốn. Công ty này đã đi vào vận hành từ những năm 1990.
"Vì tình trạng bất ổn hiện tại, chúng tôi cần lên một kế hoạch dự phòng hoàn thiện để đối phó với thuế quan, vì nhiều khách hàng Mỹ của công ty liên lục lo lắng và hỏi về kế hoạch phản ứng của chúng tôi".
Ông Cheng đã mua đất ở Việt Nam vào tháng 10, tuy nhiên chỉ quyết định xây dựng cơ sở gần TP HCM vào tháng 6 và dự kiến bắt đầu sản xuất vào quí III/2020.
"Nhà máy tại Việt Nam nhiều khả năng không phải là một kế hoạch 10 năm. Bây giờ tình hình rất khác với quá khứ. Mọi thứ trở nên rất bất ổn và thay đổi nhiều qua từng tháng", ông nói thêm.
Theo ông Chai Kwong-wah (Phó Giám đốc Tổng Thương hội Hong Kong), vòng thuế quan mới sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà sản xuất đồ chơi và giày dép Trung Quốc. Tổ chức này đang có 12.000 thành viên và rất nhiều trong số này hiện hoạt động tại Trung Quốc.
"Theo những gì chúng tôi biết, qui mô của nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi thâm dụng lao động ở Quảng Đông đang bị thu hẹp, và một lượng lớn nhà cung ứng của họ, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đã đóng cửa vì tác động của thuế quan", ông Chai nói.
"Các nhà máy sản xuất đồ chơi từng có 2.000 - 3.000 công nhân ở Quảng Đông nay hiện đã đóng cửa ở Đông Hoản hoặc Thâm Quyến và thuê hơn 10.000 công nhân tại Indonesia hoặc Việt Nam.
Một lượng lớn khách hàng Mỹ đang đặt hàng ở những địa điểm mới nói trên. Con số doanh nghiệp này đang ngày càng tăng lên", ông Chai cho hay.
"Đối với nhà máy của chúng tôi tại Ấn Độ và Việt Nam, khâu mua sắm nguyên vật liệu từ nhà cung ứng tại các nước này đã trở nên hoàn thiện hơn.
Do đó, ngay cả khi sản phẩm giày dép sản xuất tại Trung Quốc bị áp thuế, chúng tôi vẫn có thể điều chỉnh và chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để bù đắp khoản thuế đó", nữ giám đốc cấp cao của một công ty giày dép Đài Loan có nhà máy ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, chia sẻ.
Tuy nhiên, đối với các nhà cung ứng hạ nguồn không thể chi trả cho kế hoạch di dời sản xuất, họ sẽ mất khách hàng và buộc phải cắt giảm nhân sự hơn nữa, bà này nói.
Đối với các công ty công nghệ cao hoạt động trong những lĩnh vực ổn định mà khách hàng không quá nhạy cảm về mức giá vì tính chất không thể thay thế của sản phẩm, gánh nặng thuế quan có thể sẽ được đẩy sang người tiêu dùng Mỹ.
"Máy bay không người lái (drone) được sản xuất ở Trung Quốc vẫn duy trì tính cạnh tranh ở thị trường nước ngoài vì lợi thế và giá và công nghệ. Không quá khó để chúng tôi và khách hàng bù đắp thuế quan.
Tuy nhiên, do bất ổn từ thương chiến Mỹ - Trung, một trong những khách hàng lớn nhất của chúng tôi, đã chuyển sang đặt hàng 2.000 máy bay không người lái/tháng thay vì 20.000 sản phẩm/năm như trước đây", ông Aaron Zhang, nhà sáng lập công ty Simtoo Intelligence có khả năng xuất khẩu đến 50.000 máy bay không người lái mỗi năm, cho hay.
"Cẩn trọng, thu hẹp qui mô kinh doanh và duy trì dòng vốn đã trở thành chủ đề phổ biến với nhiều nhà cung ứng sản phẩm điện tử ở Thâm Quyến", ông Joe Pan cho biết.
Ông là một trong 200 nhà cung ứng từng biểu tình vào tháng 7 sau khi công ty Costor Smart Technology bất ngờ đóng cửa khi còn đang nợ các nhà cung ứng 80 triệu nhân dân tệ (11,4 triệu USD).
"Chúng tôi đã lập một nhóm trên WeChat và chia sẻ danh sách các công ty công nghệ gặp trục trặc khi thanh toán cho nhà cung ứng. Danh sách này đang ngày càng dài thêm".