Data Talk | The Catalyst: Đánh giá lại triển vọng nhóm cổ phiếu ngành đầu tư công 2025
Chuyên mục “The Catalyst” lựa chọn một nhóm ngành nổi bật mỗi kỳ và các chất xúc tác tác động đến thị trường để “mổ xẻ” các yếu tố tích cực và rủi ro, hỗ trợ nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt.
Data Talk | The Catalyst (Số 01) khởi đầu với chủ đề: "Đánh giá lại triển vọng nhóm cổ phiếu ngành đầu tư công 2025". Số mới nhất sẽ cung cấp những phân tích dựa trên dữ liệu chuyên sâu, giúp nhà đầu tư tìm nhận diện cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào nhóm này.

Các diễn giả tại Data Talk | The Catalyst (Số 01): Đánh giá lại triển vọng nhóm cổ phiếu ngành đầu tư công 2025. Ảnh: VNB.
Toạ đàm do ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Khối Đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI - PVI AM, phụ trách dẫn dắt chương trình, điều phối thảo luận.
Khách mời tham dự gồm ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập FinSuccess và bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích tại Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Các diễn giả đã thảo luận về các yếu tố tích cực đối với lĩnh vực đầu tư công sau khi phê duyệt tăng ngân sách, liệu xu hướng giải ngân 2025 có khác biệt so với các năm trước, đánh giá lại các nhóm doanh nghiệp hưởng lợi, hay cách xử lý khi không đạt kỳ vọng.
Giải ngân 2025 sẽ rất khác
Trong 5 năm trở lại, giải ngân đầu tư công đã đạt khoảng 85% mục tiêu đề ra và có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng lợi. Do đó, nhà đầu tư hoài nghi về khả năng giải ngân đầu tư công trong năm 2025.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, 2025 sẽ là một năm rất khác khi tất cả đều đang đặt nhiều kỳ vọng vào đầu tư công. Nguồn vốn giải ngân theo kế hoạch năm nay lên đến gần 900.000 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với cùng kỳ.
"Chính phủ đặt ra kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng từ giờ cho đến 2030. Từ đó cho thấy quyết tâm cao độ trong việc giải ngân đầu tư công năm nay. Các dự án đều đã được phân bổ vốn ngay từ thời điểm đầu năm. Đó là tiền đề cho việc giải ngân được diễn ra suôn sẻ hơn so với giai đoạn trước", chuyên gia PHS nhận định.

Trưởng phòng Phân tích PHS Nguyễn Thị Mỹ Liên tin rằng giải ngân đầu tư công 2025 sẽ rất khác. Ảnh: VNB.
Ông Nguyễn Thành Trung cũng đồng tình với quan điểm của bà Liên. GDP năm 2024 tăng trưởng 7,1% nhưng yếu tố chủ đạo thúc đẩy không phải là đầu tư công.
Qua năm 2025, từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, vấn đề chiến tranh thương mại đã nổi lên và qua đó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Xuất khẩu có thể gặp tác động và tiêu dùng được dự báo duy trì như năm ngoái.
"Do đó, còn một yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy GDP năm nay tăng trưởng cao như Chính phủ kỳ vọng đó chính là đầu tư công. Ước tính mỗi tháng giải ngân đầu tư công phải đạt khoảng 70.000 tỷ đồng", chuyên gia từ FinSuccess nói.
Phân tích về nhóm ngành nào sẽ chịu tác động từ câu chuyện đầu tư công, bà Liên cho rằng các doanh nghiệp liên quan vật liệu xây dựng, xây dựng, ngân hàng sẽ là bên hưởng lợi trực tiếp.
Khi hạ tầng được nâng cấp, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có những dự án với vị trí phù hợp sẽ được hưởng lợi gián tiếp. Kế đến là bất động sản khu công nghiệp khi các doanh nghiệp tư ngân, FDI thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.
Ông Trung bổ sung thêm tiêu dùng, giao thông vận tải hay một số ngành phụ trợ khác cũng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công. Một cách tổng quan, việc GDP và đầu tư công tăng trưởng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế.
Xử lý ra sao khi không đạt kỳ vọng?
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những rủi ro từ câu chuyện đầu tư công. Chẳng hạn, dữ liệu giải ngân tháng 1 mới thực hiện khoảng 1% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ, là một yếu tố cần theo dõi.
Nhà đầu tư cần đánh giá doanh nghiệp cụ thể có hưởng lợi từ dự án đầu tư công hay không, có cấu doanh thu ra sao và tham gia dự án trong bao lâu. Một số cổ phiếu đã tăng giá trong thời gian qua vẫn cần đánh giá lại doanh nghiệp đó có thực sự hưởng lợi hay không.
Đánh giá một doanh nghiệp là xem xét đơn vị đó có kinh doanh tốt hay không, tình hình tài chính đang ổn định hay biến động. Bên cạnh đó là cổ phiếu của doanh nghiệp đó có xứng đáng để mua với mức giá hiện tại trên thị trường hay không.
"Trường hợp cổ phiếu tốt nhưng giá đã phản ánh hết yếu tố thông tin, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi thêm hoặc tìm cơ hội khác, không chỉ là đầu tư công", ông khuyến nghị.

Nhà sáng lập FinSuccess Nguyễn Thành Trung khuyên nhà đầu cần kiên nhẫn hoặc tìm cơ hội khác. Ảnh: VNB.
Còn theo bà Liên, hiện kỳ vọng về giá của một số cổ phiếu chưa thực sự được đánh giá rõ ràng. Do đó, nếu số liệu thực tế không như kỳ vọng có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Câu chuyện về đầu tư công thực tế đã được nhắc đến từ 2018 đến nay. Các doanh nghiệp trong nhóm này thường có đòn bẩy nợ vay khá cao. Trong giai đoạn triển khai dự án, nếu có sự chậm trễ ách tác xảy ra sẽ tác động đến kỳ vọng của chính các đơn vị này.
Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang được thị trường chú ý. Tuy nhiên, nhóm thép hay xi măng vẫn đang trong khu vực nhiễu động. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý khi ra quyết định, nên nghiên cứu sâu hơn về nhóm cổ phiếu hưởng lợi.
Bà Liên diễn giải theo trường phái phân tích top-down là phải xem xét bối cảnh thị trường, bối cảnh kinh tế, sau đó đến các nhóm ngành, doanh nghiệp có khả năng thúc đẩy tăng trưởng tốt trong năm. Cuối cùng là nội tại doanh nghiệp có vững vàng hay không, kết hợp với yếu tố định giá.
Trong trường hợp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không như kỳ vọng, nhà đầu tư cần mạnh mẽ đưa ra quyết định. Trong quá khứ, nhóm đầu tư công từng ghi nhận việc kết quả kinh doanh đi xuống sẽ tác động đến định giá.
"Thị trường vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư khác. Ngoài đầu tư công, một số nhóm ngành đang có câu chuyện tăng trưởng kể đến ngân hàng, chứng khoán...", chuyên gia PHS khuyến nghị.
Nhà sáng lập FinSuccess tiết lộ thường chia ra ba nhóm cổ phiếu. Đầu tiên là nhóm dẫn dắt như ngân hàng và chứng khoán. Thứ hai là nhóm hàng thiết yếu như điện, nước, y tế. Thứ ba là nhóm chu kỳ như bán lẻ, xuất nhập khẩu, bất động sản, đầu tư công...
Hiện FinSuccess đang phân bổ 40% vào nhóm đầu tiên, 40% vào nhóm 2 và 20% vào nhóm 3.
Những biến số cần quan sát
Người điều phối đặt vấn đề về những yếu tố vĩ mô nào mà nhà đầu tư cần chú ý quan sát để điều chỉnh chiến lược đầu tư cho phù hợp khi có biến động.
Theo ông Trung, tỷ giá là vấn đề đã nhạy cảm suốt một năm nay. Khi USD mạnh lên sẽ tác động đến lãi suất. DXY đã tăng khá cao, song dường như sự quan tâm của nhà đầu tư không còn nhiều đến yếu tố này.
"Theo tôi, khi ai cũng biết đó là rủi ro thì đó có thể không còn là rủi ro nữa. Dù vậy, khi áp lực USD giảm sẽ tác động tốt đến lãi suất cũng như thị trường. Tôi cũng quan sát về xác suất Fed sẽ giảm lãi suất và giảm như thế nào", ông nêu.
Vấn đề tiếp theo là các chính sách của Mỹ khi ông Trump lên nắm quyền.
Yếu tố nữa mà nhà đầu tư nên theo dõi là chứng khoán Mỹ. Khi định giá cổ phiếu Mỹ đã cao thì có thể xảy ra điều chỉnh.
Còn theo góc nhìn của bà Liên, Việt Nam đã thay đổi quan điểm về lạm phát. Giai đoạn trước đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và nâng lên khoảng 4-4,5% trong hai năm gần đây.
Dù vậy, lạm phát của 2025 không phải làm vấn đề quá áp lực. Hiện mặt bằng giá cả tương đối ổn định. Phần lớn cấu phần lạm phát nằm ở mặt hàng ăn uống, thực phẩm, song điều này hoàn toàn tự chủ được.
Một áp lực có thể trong năm nay là tăng giá các dịch vụ công. Năm ngoái, EVN công bố đã thoát lỗ nhưng vẫn còn những áp lực. Việc tăng giá điện có thể tiếp tục trong năm nay, từ đó tác động đến đầu ra của sản phẩm.
Về thị trường trái phiếu, lãnh đạo FinSuccess nêu quan điểm rằng một số đơn vị chủ đầu tư vẫn còn lo ngại trong phát hành trái phiếu, trong khi nhà đầu tư cá nhân cũng còn khá bi quan.
Ở nước ngoài, thị trường nợ có quy mô rất lớn và vẫn là thị trường quan trọng cho tương lai. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chịu áp lực lớn từ ngân hàng nên cần giảm áp lực này xuống. Tôi kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ dần hồi phục để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo ông Trung, đáo hạn trái phiếu cho hai năm tới có phần thấp hơn so với giai đoạn sau đó. Đây cũng là một cơ hội để thúc đẩy đầu tư công.
Toạ đàm được phát trực tuyến trên các nền tảng VietnamBiz (https://vietnambiz.vn), livestream Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz), Fanpage WiGroup, Youtube: Kinh tế - Tài chính.
Data Talk là chuỗi tọa đàm Chuyên sâu – Data – Khách quan do VietnamBiz phối hợp cùng WiGroup thực hiện. Nội dung chương trình sẽ tập trung bàn luận về các sự kiện kinh tế từ Vĩ mô đến Ngành, Chính sách dựa trên góc nhìn và Data với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính và các lĩnh vực liên quan nhằm góp phần đem đến những kiến thức, hiểu biết và góc nhìn sâu sắc cho nhà đầu tư, nhà kinh doanh...