Vì đâu xuất hiện những 'nghĩa địa xe điện, ô tô thây ma' ở Trung Quốc?

Một nghĩa địa xe điện ở Hàng Châu. (Ảnh: Wall Street Journal).
Giao thông ở Bắc Kinh đã thay đổi chóng mặt chỉ trong vòng vài năm qua. Sự ồn ào và bầu không khí ngột ngạt trên đường đã biến mất, thay vào đó là sự tĩnh lặng lạ thường đối với một siêu đô thị. Lý do không phải mật độ xe cộ tại Bắc Kinh đã giảm hẳn, mà những chiếc xe ô tô lăn bánh trên đường chủ yếu là xe điện.
Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Bắc Kinh. Ông Li Shuo, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết đa số phương tiện tại các thành phố lớn ở Trung Quốc hiện nay là xe điện.
Vị chuyên gia nói rằng những du khách đến từ các quốc gia mà xe xăng vẫn thống trị đường phố đều sẽ thấy ấn tượng trước sự yên tĩnh mà động cơ xe điện mang lại cho đường phố Trung Quốc.
Xét theo bất kỳ thước đo nào, ngành xe điện Trung Quốc cũng đều phát triển một cách phi thường. Năm ngoái, doanh số bán xe điện của Trung Quốc tăng vọt 40% lên 11 triệu chiếc, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Rho Motion. Trong khi đó, tổng doanh số xe điện của tất cả các nước còn lại chỉ đạt 6,1 triệu chiếc.

Ván cược lớn
Tốc độ phát triển của ngành xe điện Trung Quốc khiến cả thế giới kinh ngạc, đặc biệt là khi vào năm 2009 chỉ có khoảng 500 chiếc xe điện được bán ra tại nước này.
Nhưng trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào các công nghệ liên quan ngay từ đầu thế kỷ 21. Vào năm 2001, các nhà lãnh đạo xác định công nghệ xe điện là dự án nghiên cứu khoa học ưu tiên trong kế hoạch 5 năm của quốc gia.
Đây là ván cược cực kỳ rủi ro, bởi khi đó xe điện chỉ giống như sản phẩm thử nghiệm bên lề của các nhà sản xuất ô tô truyền thống như General Motors hay Toyota. Song, Trung Quốc chấp nhận rủi ro với hy vọng có thể giúp các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh một thị trường mới sau khi bị bỏ lại quá xa trong lĩnh vực xe xăng.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã bắt đầu hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để sản xuất xe buýt, taxi hoặc ô tô cho khách hàng cá nhân. Nhờ vậy mà tuy doanh số những năm đầu rất thấp, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể chi tiêu để cải tiến sản phẩm.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính trong giai đoạn 2009 - 2023, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ tổng cộng 230,9 tỷ USD cho ngành xe điện.
Các biện pháp trợ giúp bao gồm giảm giá cho người mua xe, miễn thuế bán hàng 10%, tài trợ cho cơ sở hạ tầng cùng các chương trình nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, thu mua xe điện dùng làm phương tiện công cộng.
Chính phủ Trung Quốc không giới hạn các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp nội địa. Và với việc thu hút, giúp đỡ Tesla xây dựng siêu nhà máy ở Thượng Hải, các quan chức đã thúc đẩy các nhà sản xuất sáng tạo và nâng cao chất lượng để bắt kịp công ty của Elon Musk về công nghệ và giá cả.
Giờ đây các hãng xe điện Trung Quốc - tiêu biểu là BYD - đã trở thành mối đe dọa đối với Tesla trên thị trường trong nước lẫn thế giới.
Góc khuất đằng sau ánh hào quang
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện đã gây ra một số hậu quả không lường trước. Nổi bật nhất trong số đó là hiện tượng hàng trăm, hàng nghìn chiếc xe bị bỏ lại tại các bãi đất rộng, tạo thành “nghĩa địa xe điện” tại ít nhất vài thành phố, trong đó có Hàng Châu.
Hiện tượng này trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc từ vài năm trước. Khi Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp cho xe điện vào năm 2019, nhiều hãng gọi xe không kịp xoay xở đã phá sản, hoặc các chủ xe vứt bỏ những chiếc ô tô lỗi thời khi thị trường xuất hiện những mẫu xe hiện đại hơn.
Vào đầu năm 2024, tờ Wall Street Journal cho biết thành phố Hàng Châu vẫn tràn ngập các nghĩa địa xe điện, mỗi bãi chứa hàng trăm chiếc xe bị vứt bỏ.
Những chiếc xe điện đó đỗ gần nhau đến mức việc mở cửa xe trở thành nhiệm vụ khả thi, thậm chí có những bãi vì thiếu chỗ trống mà xe còn xếp chồng lên nhau như đồ chơi. Lâu ngày, cây dại mọc chèn cả vào trong xe.

Xe chồng chất lên nhau tại một nghĩa địa xe điện ở Hàng Châu. (Ảnh: Wall Street Journal).
Chính quyền thành phố Hàng Châu đã tuyên bố sẽ xử lý những bãi xe bỏ hoang kể từ năm 2019 nhưng có vẻ công việc này không hề dễ dàng.
Gần đây hơn, tờ Bloomberg đề cập đến một góc khuất khác của ngành xe điện Trung Quốc, đó là sự gia tăng của những chiếc xe điện thây ma. Nói dễ hiểu, đó là những chiếc xe tương đối mới - có thể được sản xuất từ năm 2022 - nhưng nay đã mất đi các tính năng thông minh vì nhà sản xuất đã phá sản hoặc gặp rắc rối tài chính và không thể tung ra các bản cập nhật phần mềm.
Thiếu vắng những tính năng như phát nhạc, video và tin tức, những chiếc xe này đơn thuần chỉ còn là phương tiện di chuyển cơ bản. Và chủ của chúng cũng bất an vì nguy cơ xe hỏng hóc mà không tìm được phụ tùng thay thế.
Tuy nhiên, bán xe ngay lúc này chắc chắn sẽ khiến chủ xe chịu lỗ nặng và triển vọng kinh tế tương lai không thực sự tươi sáng, do đó họ sẽ phải chịu "sống chung với lũ" thêm một khoảng thời gian nữa.
Công ty tư vấn Alixpartners cho biết Trung Quốc có khoảng 137 hãng xe điện vào năm 2024 nhưng dự đoán sẽ chỉ có 19 hãng có lãi vào cuối thập kỷ này.
Điều đó đồng nghĩa với việc 118 công ty còn lại sẽ biến mất trong vòng 6 năm, một phần do cuộc chiến giá cả khốc liệt trong ngành. Nếu dự đoán này thành hiện thực thì số xe điện thây ma sẽ gia tăng đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng.