Thiết kế theo chức năng toàn cầu (Global functional design) là gì?
Thiết kế theo chức năng toàn cầu
Khái niệm
Thiết kế theo chức năng toàn cầu trong tiếng Anh gọi là: Global functional design.
Thiết kế theo chức năng toàn cầu là một dạng thiết kế tổ chức toàn cầu, trong đó tổ chức công ty theo các bộ phận hoặc phòng ban chịu trách nhiệm cho các chức năng chung của tổ chức trên khắp thế giới – tài chính, sản xuất, marketing, R&D, và quản trị nguồn nhân lực.
Ví dụ minh hoạ và ưu nhược điểm
Thiết kế này được sử dụng bởi tập đoàn đa quốc gia MNC có các dòng sản phẩm tương đối hẹp và giống nhau. Nó thường được gọi là thiết kế dạng U, chữ U là chữ viết tắt của "đơn nhất – unity".
Một ví dụ điển hình cho thiết kế toàn cầu theo chức năng là hãng hàng không British Airways, được thể hiện trong hình sau.
Về cơ bản, công ty là một doanh nghiệp đơn lẻ - nó cung cấp các dịch vụ vận tải hàng không – và có các chức năng như marketing và vận hành, quan hệ công chúng, kĩ thuật, tài chính doanh nghiệp, nguồn nhân lực và các chức năng cơ bản khác.
Thiết kế theo chức năng toàn cầu có một vài ưu điểm. Đầu tiên, công ty có thể dễ dàng chuyển giao sự am hiểu trong mỗi khu vực chức năng.
Ví dụ, Exxon Mobil sử dụng thiết kế toàn cầu theo chức năng do đó các kĩ năng sản xuất được tiếp thu bởi các đội Exxon Mobil ở vịnh Mexico có thể được sử dụng bởi các hoạt động ngoài khơi ở khu vực Jerneh của Malaysia, và công nghệ làm rạn chất xúc tác được thử nghiệm tại nhà máy lọc dầu của công ty ở Baton Rouge, Louisiana có thể phù hợp với nhà máy lọc dầu của công ty ở Singapore và Trecate, Italy.
Thứ hai, các nhà quản trị có thể duy trì sự kiểm soát một cách tập trung cao độ vào các hoạt động chức năng.
Ví dụ, người đứng đầu bộ phận nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil có thể thay đổi nhanh chóng tốc độ sản xuất của hệ sản phẩm của nhà máy lọc dầu để đáp ứng lại những thay đổi của nhu cầu thế giới, từ đó đạt được tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực đắt tiền.
Cuối cùng, thiết kế theo chức năng toàn cầu tập trung chú ý vào các chức năng chủ yếu của công ty. Ví dụ, các nhà quản trị có thể dễ dàng cô lập một rắc rối nảy sinh trong marketing và tách nó ra khỏi các hoạt động trong các khu vực chức năng khác.
Bên cạnh những ưu điểm, thiết kế này có thể không phù hợp cho nhiều doanh nghiệp. Điều đầu tiên là thiết kế theo chức năng toàn cầu chỉ thực tế khi công ty có tương đối ít sản phẩm hoặc khách hàng.
Một điều nữa, sự phối hợp giữa các bộ phận có thể là một vấn đề quan trọng. Ví dụ, bộ phận sản xuất và bộ phận marketing có thể trở nên rất khác biệt so với nhau khi mỗi bộ phận bắt đầu theo đuổi các mục tiêu của riêng mình và làm tổn hại đến tổng thể công ty. Cuối cùng, sự nhân đôi các nguồn lực giữa các nhà quản trị là một vấn đề.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Cao học Quản trị kinh doanh quốc tế, PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2017)