|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ

06:53 | 02/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019 của nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bắt đầu bằng nỗi lo suy thoái và kết thúc bằng lễ ăn mừng thị trường có năm tăng trưởng mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, chỉ số S&P 500 tăng trưởng 0,29% lên 3.230,78 điểm, Nasdaq Composite cũng tăng 0,3% lên 8.972,6 điểm, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thì tăng 76,3 điểm (0,27%) lên 28.538,44 điểm.

Cổ phiếu vật liệu và năng lượng là những nhóm diễn biến tích cực nhất chỉ số S&P 500 khi cùng tăng 0,7%. Các cổ phiếu công nghệ IBM, Cisco Systems và Apple dẫn dắt Dow Jones đi lên.

12 tháng trước đây chắc ít ai ngờ rằng chỉ số S&P 500 có thể đem về lợi nhuận gần 29% trong năm 2019. Mức tăng ấn tượng này xấp xỉ con số 29,6% của năm 2013 và cách không xa thành tích 31% của năm 1997.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite còn có mức tăng ấn tượng hơn với 35,2%. Dòng tiền chảy vào các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và củng cố danh hiệu tập đoàn tỉ đô của Apple và Microsoft. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng tăng trưởng 22% trong năm 2019.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 2.

Năm qua có đầy rẫy những cảnh báo, nguy cơ không trở thành hiện thực, từ kinh tế toàn cầu giảm tốc tới cuộc chiến thương mại phá hỏng thị trưởng chứng khoán hay sai lầm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), .... 

Năm 2019 còn cho thấy sự bùng nổ không ngờ tới trong lĩnh vực công nghệ, qua đó thúc đẩy các chỉ số chứng khoán liên tục lên đỉnh cao mới.

Khởi đầu khiêm tốn

Một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của năm 2019 là nền tảng khởi đầu khá thấp.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 3.

Đợt bán tháo hồi tháng 12/2018 đã khiến chỉ số S&P 500 chỉ còn cách vùng thị trường gấu vỏn vẹn 0,2% (thị trường gấu được định nghĩa là việc giá cổ phiếu hoặc chỉ số giảm 20% so với đỉnh 52 tuần).

Khép lại năm 2018, chỉ số S&P 500 giảm hơn 6% xuống còn 2.485,74 điểm. Đến cuối năm 2019, chỉ số này đã vươn lên ngưỡng 3.220 điểm. So với đỉnh 2.900 điểm của năm 2018, S&P 500 đã tăng khoảng 10%, khá sát với mức sinh lợi trung bình hàng năm 9,8% của chỉ số này trong 90 năm qua.

Được Fed trợ lực

Theo CNBC, phần lớn thành quả mà thị trường chứng khoán Mỹ đạt được trong năm 2019 là nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 4.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Getty images

Năm 2018, Fed nâng lãi suất cả thảy 4 lần, bao gồm một lần vào tháng 12, đưa lãi suất điều hành của Fed lên ngưỡng 2,5%. Bước sang năm 2019, câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi Fed ba lần hạ lãi suất liên tiếp, khiến cho dòng tiền chảy vào cổ phiếu.

Hiện nay lãi suất điều hành của Fed đã quay lại khoảng 1,5 - 1,75%. Thêm vào đó, ngân hàng trung ương này cũng phát đi tín hiệu cho thấy sẽ không thay đổi lãi suất cho đến hết năm 2020, giúp nhà đầu tư yên tâm về sự ổn định của chính sách tiền tệ.

Ngọn lửa thương chiến

Chủ tịch Fed Jerome Powell gọi chính sách cắt giảm lãi suất là động thái “bảo hiểm” cho nền kinh tế trước rủi ro từ bên ngoài. Cụ thể, Fed muốn đảm bảo rằng việc nền kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ không kéo cả nước Mỹ tụt dốc.

Một trong những nhân tố bất định lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chính là cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump phát động chống lại Trung Quốc và việc soạn thảo lại Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.

Quả thực, những dòng tít về chiến tranh thương mại lan tràn khắp các mặt báo trong năm 2019.

Những quyết định đánh thuế và những lời đe dọa áp thêm thuế của ông Trump từng nhiều lần khiến các chỉ số chứng khoán ngụp lặn trong sắc đỏ. Sau đó những dòng tweet của ông Trump về triển vọng đạt thỏa thuận thương mại lại giúp cho thị trường chứng khoán nhanh chóng thăng hoa.

Tuy nhiên nhìn chung, thông tin về chiến tranh thương mại chỉ có tác động tạm thời ngắn ngủi đối với thị trường.

Gần cuối năm, Hạ viện Mỹ thông qua Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) để thay thế cho NAFTA, Thượng viện được kì vọng cũng sẽ sớm thông qua thỏa thuận này. Chính quyền Tổng thống Trump thì đã đạt thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc và dự kiến sẽ chính thức kí kết vào ngày 15/1 tới.

Dù được kí kết thì thỏa thuận này cũng không phải là dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại còn dai dẳng và khó lường giữa hai siêu cường kinh tế. Tuy nhiên thỏa thuận này đánh dấu một sự đình chiến hiếm hoi, giúp căng thẳng hạ nhiệt và do đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Kinh tế toàn cầu giảm tốc

Trong suốt năm 2019, nhà đầu tư buồn phiền vì nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Một phần lo ngại xuất phát từ cuộc chiến tranh thương mại diễn ra căng thẳng, một phần bắt nguồn từ kế hoạch Brexit, một số người lại lo cử tri trên khắp thế giới đang tỏ ra ưa chuộng những ứng viên có tư tưởng cực tả (far left).

Gần đây, Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

Tuy vậy về cuối năm, tiến trình nước Anh rời khỏi EU (Brexit) có vẻ như đang đi đúng hướng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng tạm lắng dịu nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Một số nhà kinh tế hi vọng rằng đợt giảm tốc kinh tế toàn cầu đã chạm đáy và chuyển bị đến giai đoạn hồi phục.

Năng lượng cho nền kinh tế

Cổ phiếu năng lượng là nhóm diễn biến tiêu cực nhất chỉ số S&P 500 năm 2019 nhưng dầu mỏ vẫn là nhiên liệu thiết yếu cho nền kinh tế tư bản. Giá dầu xuống thấp trong năm đã giúp tăng cường hoạt động kinh tế trên khắp thế giới.

Thời gian gần đây giá đã bắt đầu đi lên, cụ thể là hợp đồng tương lai dầu thô WTI đang giao dịch trên ngưỡng 60 USD/thùng. Tuy nhiên khi so sánh với dữ liệu lịch sử, mức giá này không có gì đột biến.

Mặc dù thị trường năng lượng diễn biến trì trệ, một trong những điểm sáng đáng chú ý của năm 2019 là việc tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco thực hiện IPO.

Sau khi huy động được số tiền kỉ lục 25,6 tỉ USD, Aramco tiếp tục lập một kỉ lục nữa khi niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Saudi Arabia với vốn hóa 1.700 tỉ USD, bỏ xa Apple của Mỹ để trở thành tập đoàn đáng giá nhất hành tinh. 

Sau hai phiên tăng kịch trần 10%, cổ phiếu Aramco có vốn hóa trên 2.000 tỉ USD.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 6.

Cổ phiếu Saudi Aramco tăng kịch trần 10% trong phiên đầu tiên lên sàn chứng khoán Tadawul của Saudi Arabia, từ 32 riyadh/cp lên 35,2 riyadh/cp. Vốn hóa cũng tăng tương ứng từ 1.700 tỉ USD lên 1.870 tỉ USD. Ảnh: Reuters.

Dấu hiệu suy thoái từ thị trường trái phiếu

Tháng 8/2019, nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của một hiện tượng thị trường hiếm gặp là đường cong lợi suất đảo ngược.

Đường cong lợi suất thể hiện mối quan hệ giữa kì hạn và lợi suất. Thông thường lợi suất kì hạn dài cao hơn lợi suất kì hạn ngắn nên đường cong lợi suất dốc lên. Khi lợi suất kì hạn ngắn cao hơn kì hạn dài, đường cong lợi suất bị đảo ngược và đây được coi là điềm báo chẳng lành đối với nền kinh tế.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 7.

Trong lịch sử, suy thoái kinh tế thường diễn ra từ một đến hai năm sau khi đường cong lợi suất đảo ngược.

Vào tháng 8 và tháng 9/2019, ngày càng có nhiều đoạn đường cong lợi suất dốc xuống khiến nhà đầu tư thêm lo lắng. Một hiện tượng đáng ngại khác là có tới 17.000 tỉ USD đang được đầu tư vào các tài sản có lợi suất âm, tức là nếu nắm giữ tới ngày đáo hạn thì những tài sản này chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư mất tiền.

Dần về cuối năm, thị trường trái phiếu ổn định trở lại và đường cong lợi suất bắt đầu quay về hình dạng thông thường khi nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ không suy giảm quá mạnh như lo ngại trước đó. Một nhân tố hỗ trợ khác là việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát đi tín hiệu sẽ duy trì lãi suất sau khi cắt giảm ba lần liên tiếp trong năm.

Chênh lệch lợi suất kì hạn 2 năm và 10 năm hiện đã nới rộng tới mức lớn nhất kể từ tháng 10/2019, cho thấy nhà đầu tư tin tưởng rằng nguy cơ giảm tốc toàn cầu đã được hóa giải bởi chính sách giảm lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác.

Số liệu vĩ mô trái chiều

Khu vực sản xuất của Mỹ cũng phát đi tín hiệu cảnh báo trong năm 2019. Viện Quản lí nguồn cung (ISM) cho biết tính đến tháng 11, hoạt động sản xuất của Mỹ đã sụt giảm 4 tháng liên tiếp. Chính sự sụt giảm này thường được dùng làm dẫn chứng cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc.

Tuy nhiên nhìn theo một khía cạnh khác, chỉ số phi sản xuất của ISM tiếp tục đi lên, cho thấy khu vực dịch vụ vẫn hoạt động tốt.

Theo CNBC, những biến động tiêu cực trong số liệu kinh tế 2019 đều được bù đắp bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp thấp kỉ lục, hiện chỉ 3,5%.

Cổ phiếu công nghệ vượt trội

Theo thống kê của S&P Dow Jones Indices, chỉ hai cổ phiếu công nghệ lớn là Apple và Microsoft đã đóng góp gần 15% tổng mức tăng của chỉ số S&P 500 trong năm 2019. Cụ thể năm qua, Apple tăng trưởng 86% trong khi Microsoft tăng 56%.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 10.

Hai gã khổng lồ công nghệ này cũng là hai tập đoàn Mỹ duy nhất có vốn hóa thị trường trên 1.000 tỉ USD. Do S&P 500 là chỉ số được tính theo trọng số vốn hóa, Apple và Microsoft có ảnh hưởng lớn hơn hẳn.

Các đại gia công nghệ khác như Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon cũng đóng góp tích cực vào đà đi lên của thị trường trong năm qua. Các hãng sản xuất linh kiện bán dẫn như Advanced Micro Devices, Lam Research và KLA Corp. dẫn đầu chỉ số S&P 500 về tỉ lệ tăng giá trong năm.

Thăng trầm và đột phá: Con đường tăng trưởng gần 30% trong năm 2019 của chứng khoán Mỹ - Ảnh 11.

Nhìn chung trong năm 2019, thị trường chứng khoán Mỹ hưởng lợi từ sự bùng nổ của ngành công nghệ và tiền rẻ Fed, nhờ vậy đã xuất sắc “trèo qua cả bức tường lo lắng” giống như câu ngạn ngữ lâu đời của phố Wall và đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc, Đức Quyền

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.