|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngoài đường cong lợi suất đảo ngược còn có hàng loạt dấu hiệu suy thoái kinh tế khác

16:19 | 07/09/2019
Chia sẻ
Không chỉ có thị trường trái phiếu mà các thị trường và lĩnh vực khác cũng đang dồn dập phát đi các tín hiệu cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế có thể đang đến gần.

Nhà đầu tư và người dân Mỹ đang tỏ ra hết sức lo lắng về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới này rơi vào suy thoái. 

Thống kê của Google Trends cho thấy xu hướng tìm kiếm từ khóa "Suy thoái" (Recession) đột ngột tăng cao vào cuối tháng 7 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên trong một thập kỉ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008.

recession search

Mức độ quan tâm tìm kiếm từ khóa Suy thoái (Recession) tại Mỹ trong 12 tháng qua. Nguồn: Google Trends.

Lãi suất giảm có tác dụng khuyến khích hoạt động đầu tư và tiêu dùng, qua đó kích thích kinh tế. Tuy nhiên động thái của Fed cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang "có vấn đề". Nếu không có vấn đề gì thì tại sao lại cần kích thích?

Dữ liệu từ khắp các lĩnh vực của nền kinh tế đang vẽ lên cho nhà đầu tư một bức tranh ảm đạm với nguy cơ suy thoái kinh tế do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung.

Nền kinh tế toàn cầu giảm tốc đang gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương khắp nơi phải hạ lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng thấy, trong khi cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang đè nặng lên tâm lí doanh nghiệp.

Dưới đây là một số chỉ báo đang "nhấp nháy" đèn báo động đỏ suy thoái:

Đường cong lợi suất đảo ngược

Có lẽ một trong những chỉ báo suy thoái được nhắc tới nhiều nhất trong những tuần gần đây là hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược.

Ngoài đường cong lợi suất đảo ngược còn có hàng loạt dấu hiệu suy thoái kinh tế khác - Ảnh 2.

Đường cong lợi suất thoải dần và chuyển sang trạng thái đảo ngược vào tháng 8/2019. Nguồn: CNBC.

Trong bối cảnh lãi suất suy giảm trên diện rộng trên thị trường trái phiếu Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã sụt xuống dưới lợi suất TPCP kì hạn 2 năm vào hôm 14/8 và thêm một số lần nữa sau đó.

Trong một thị trường khỏe mạnh bình thường, lợi suất kì hạn dài phải cao hơn kì hạn ngắn vì mức độ rủi ro khi cho vay dài hạn phải lớn hơn. Tuy nhiên khi nhà đầu tư cho rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra, trái phiếu kì hạn ngắn lại bị coi là có rủi ro cao hơn và do vậy lợi suất lớn hơn trái phiếu kì hạn dài, tạo nên hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược.

Hiện tượng này đã dự đoán đúng tất cả 7 cuộc suy thoái trong hơn 50 qua và do vậy được coi là một chỉ báo suy thoái đáng tin cậy. Theo nghiên cứu của ngân hàng Credit Suisse, trung bình suy thoái xảy ra khoảng 22 tháng sau khi đường cong lợi suất bắt đầu đảo ngược.

Tăng trưởng GDP giảm tốc

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đang chậm lại. Theo số liệu công bố tuần trước, tăng trưởng kinh tế quí II của Mỹ chỉ đạt 2%, thấp hơn đáng kể so với mức 3% của quí liền trước và 3,5% cùng kì năm ngoái.

recession

Tăng trưởng GDP của Mỹ xuống thấp trong quí II vừa qua. Nguồn: CNBC

Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sa sút

Giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc phủ bóng đen lên triển vọng nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ cả năm 2019 bị các nhà phân tích điều chỉnh giảm mạnh nhất trong vòng ba năm trở lại đây.

eps

Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ liên tục bị cắt giảm. Nguồn: Financial Times, FactSet.

Financial Times dẫn số liệu mới nhất của FactSet cho biết, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 năm 2019 đang được dự báo tăng 2,4% so với năm ngoái. Đầu năm nay, mức tăng trưởng được dự báo là 7,7%.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs và Citigroup cũng cắt giảm dự báo lợi nhuận doanh nghiệp S&P 500 cho năm 2019 và 2020 vì các nhân tố như kinh tế chậm lại, mối đe dọa chiến tranh thương mại và khả năng phá giá tiền tệ.

Hoạt động sản xuất thu hẹp

Theo số liệu của IHS Market, trong tháng 8, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ chỉ đạt 49,9 điểm, giảm so với con số 50,4 điểm của tháng 7 và là mức thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

Kể từ tháng 9/2009 đến nay, đây là lần đầu tiên chỉ số này tụt xuống dưới ngưỡng 50 điểm. Theo qui ước, chỉ số trên 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất mở rộng, dưới 50 điểm thể hiện sự thu hẹp và bằng 50 điểm tức là hoạt động giống như tháng trước.

Theo số liệu của Viện quản lí nguồn cung (ISM), chỉ số PMI trong tháng 8 cũng ghi nhận dưới ngưỡng 50 quan trọng, đạt 49,1 điểm.

pmi ism

Số liệu PMI do Viện quản lí nguồn cung (ISM) công bố. Nguồn: Tradingeconomics.

Tháng 7 năm nay, nhiều thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bày tỏ lo ngại về những khu vực suy yếu của nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất. 

Các thành viên này cho rằng chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng như lo ngại tăng trưởng toàn cầu sụt giảm tiếp tục "đè nặng lên tâm lí doanh nghiệp và ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư tài sản cố định", theo biên bản họp của Fed trong hai ngày 30-31/7.

Chỉ số vận tải Cass (Cass Freight Index)

Triển vọng kinh tế u ám thể hiện rõ thông qua nhu cầu vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu sa sút. Chỉ số vận tải Cass đã giảm 5,9% trong tháng 7. Trong tháng 6 và 5, chỉ số này cũng giảm tương ứng 5,3% và 6%.

cass

Chỉ số vận tải Cass có xu hướng đi xuống. Nguồn: CNBC.

Báo cáo tháng 7 của Cass nêu rõ: "Chúng tôi lặp lại thông điệp của mình từ hai tháng trước, đó là: Chỉ số vận tài Cass đã chuyển từ 'cảnh báo nguy cơ giảm tốc' thành 'báo hiệu suy giảm kinh tế'. Chúng tôi thấy rủi ro GDP tăng trưởng âm trong năm nay ngày càng lớn". 

Giá đồng lao dốc

Kim loại đồng còn được giới kinh tế gọi với cái tên trìu mến "Tiến sĩ Đồng" vì khả năng nhận định nền kinh tế chính xác của mình. 

Đồng được dùng nhiều trong xây dựng bất động sản và làm các loại dây dẫn. Nếu nhu cầu và giá đồng đi xuống tức là hoạt động kinh tế đang suy giảm, báo hiệu suy thoái kinh tế đến gần.

copper

Giá đồng sụt giảm từ đầu năm đến nay. Nguồn: CNBC.

Trong 6 tháng gần đây, giá kim loại đồng đã giảm 13%. Theo ông Tom Essaye, nhà sáng lập của Seven Report, sự sụp đổ của giá đồng trong tháng 8 là một dấu hiệu suy thoái rất quan trọng, ông cũng cho rằng các thị trường rõ ràng đã quá lạc quan trước nhiều rủi ro trong môi trường vĩ mô. 

Vàng lên ngôi

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế bất ổn, các tài sản được coi là an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn dài rất được nhà đầu tư săn đón, đẩy giá các tài sản này tăng cao. Từ tháng 5 đến nay, khi Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang căng thẳng thương mại, giá vàng đã tăng trên 20%.

gold

Giá vàng tăng mạnh từ đầu tháng 5 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Nguồn: CNBC

Bất ổn chính sách kinh tế

Chỉ số Bất ổn Chính sách Kinh tế (EPU) được xây dựng để đo lường những lo ngại liên quan đến chính sách trên toàn thế giới. Tháng 6 năm nay, chỉ số này chạm 342 điểm – mức cao nhất mọi thời đại.

epu

Chỉ số Bất ổn Chính sách Kinh tế (EPU) lên cao kỉ lục. Nguồn: CNBC.

EPU theo dõi số lần mà các bài báo sử dụng các từ thông dụng liên quan đến sự bất định về kinh tế và chính trị. Ngoài ra, EPU còn đo lường số chính sách thuế sắp hết hạn và mức độ bất đồng giữa các nhà kinh tế: Bất đồng càng nhiều, chỉ số càng cao.

Vào tháng 7, chỉ số này giảm xuống còn 280 điểm với hi vọng Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đạt được một thỏa thuận.

Đầu tư của doanh nghiệp

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong quí II, tổng đầu tư tư nhân trong nước của Mỹ giảm 5,5% - mức giảm mạnh nhất kể từ quí IV/2015.

Mặc dù hưởng lợi lớn từ chính sách giảm thuế của Tổng thống Donald Trump từ tháng 12/2017, các doanh nghiệp đang rất ngần ngại trong hoạt động đầu tư do môi trường kinh tế bất ổn.

Lại cộng thêm mặt bằng lãi suất thấp, các doanh nghiệp thậm chí còn đang đi vay tiền để mua lại cổ phiếu quĩ và phân phối tiền cho cổ đông chứ không phải để đầu tư như các nhà làm chính sách kì vọng.

buyback + dividend

Số tiền doanh nghiệp Mỹ chi cho cổ đông đạt mức cao kỉ lục trong năm 2018. Nguồn: Capital Group/Bloomberg.


Song Ngọc