|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đi vay rồi chia tiền cho cổ đông chứ không đầu tư: Hệ quả của lãi suất thấp và cuộc chiến thương mại dai dẳng

18:01 | 20/08/2019
Chia sẻ
Dự kiến năm nay qui mô vay nợ của doanh nghiệp Mỹ sẽ vượt qua mức kỉ lục của năm ngoái. Tuy nhiên mục đích vay vốn không phải để đầu tư gia tăng qui mô sản xuất hay thuê mướn thêm lao động mà là để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu quĩ.

Vay nhiều không có nghĩa đầu tư nhiều

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt lãi suất, giảm chi phí cho vay, lẽ ra nền kinh tế phải được kích thích. Tuy nhiên một cấu phần quan trọng của cơ chế này đang gặp trục trặc.

Trước đây, đầu tư của doanh nghiệp thường tăng lên khi vay nợ tăng vì đa phần các công ty đi vay là để nâng cao qui mô sản xuất. Ngày nay, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dòng tiền về cho cổ đông.

Theo Bloomberg, hoạt động đầu tư hiện đang ở ngưỡng thấp so với bình quân lịch sử. Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Tổng thống Trump ban hành cuối năm 2017 không giúp thay đổi tình hình. Một thập kỉ duy trì lãi suất thấp của Fed cũng không có tác dụng.

buyback

Quan hệ giữa tỉ lệ vay nợ và đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp Mỹ không còn chặt chẽ như trước. Nguồn: Tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trong thực tế, các doanh nghiệp vẫn tăng cường vay nợ. Tính trên tỉ lệ GDP, mức độ vay nợ của doanh nghiệp đang ở đỉnh cao kỉ lục. Tuy nhiên mối quan hệ giữa vay nợ và đầu tư dường như đã dần biết mất.

Theo Tiến sĩ J.W. Mason tại Viện Roosevelt (New York) khi trao đổi với Bloomberg, mối quan hệ này suy yếu dù vẫn được duy trì trong những thập niên 1980 và 1990 khi các doanh nghiệp tập trung vào việc gia tăng giá trị của cổ đông. Giờ đây, ông Mason cho rằng quan hệ trên đã không còn và các số liệu thể hiện một mối quan hệ mới.

"Các doanh nghiệp có thể vay với chi phí thấp không có nghĩa là họ sẽ đầu tư nhiều hơn mà có thể họ sẽ tăng các khoản chi trả cho cổ đông. Đây là một lí do chính khiến cho chính sách tiền tệ hiện nay không hiệu quả như trước đây".

Các doanh nghiệp có thể chi trả cho cổ đông thông qua mua lại cổ phiếu (làm cổ phiếu quĩ) hoặc trả cổ tức tiền mặt. 

Cả thương trường lẫn chính trường cùng quan tâm

Đáng chú ý, hoạt động mua lại cổ phần đã trở thành một cách tiêu tiền gây nhiều tranh cãi của doanh nghiệp. Hoạt động này bắt đầu tăng mạnh vào năm 1982 khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) ra qui định làm giảm nguy cơ việc mua lại cổ phiếu bị truy tố về tội thao túng thị trường.

Theo dự báo của Goldman Sachs, giá trị mua lại cổ phiếu trong năm nay dự kiến đạt gần 1.000 tỉ USD, tiếp tục tăng sau khi lập kỉ lục năm 2018.

buyback + dividend

Số tiền doanh nghiệp Mỹ chi cho cổ đông đạt mức cao kỉ lục trong năm 2018. Nguồn: Capital Group/Bloomberg.

Ngành tài chính Mỹ bảo vệ hoạt động này và cho rằng người ngoài cuộc không nên xét nét quyết định của các lãnh đạo doanh nghiệp – những người hiểu nhất về tình hình tài chính của công ty và biết cần đưa dòng tiền chảy vào đâu. 

Nói cách khác, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không nhìn thấy cơ hội đầu tư sinh lợi, có lẽ thực tế không có cơ hội nào.

Dẫu vậy, mua lại cổ phiếu vẫn thu hút sự chú ý của giới làm chính trị. Về phía Đảng Dân chủ, các Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer và Bernie Sanders đã lên tiếng yêu cầu kiểm soát chặt và hạn chế hoạt động này. Thượng nghị sĩ Marco Rubio thì chỉ trích chính sách thuế của Mỹ đã khuyến khích mua lại cổ phiếu thay vì đầu tư.

Theo ông Dan Ivascyn – Giám đốc đầu tư tại Pacific Investment Management Co. (Pimco), nền kinh tế có thể hưởng lợi "một cách gián tiếp" khi các doanh nghiệp vay với chi phí rẻ để trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu vì những hoạt động này thường giúp giá cổ phiếu tăng lên.

Những người sở hữu cổ phiếu sẽ cảm nhận được "hiệu ứng của cải", tức là giá trị danh mục của họ tăng lên khiến cho họ chi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra theo ông Ivascyn, "giá cổ phiếu tăng còn cải thiện niềm tin của doanh nghiệp" vì thị trường chứng khoán thường được coi là một thước đo cho triển vọng của nền kinh tế.

Chủ tịch Fed Jerome cũng đưa ra những lập luận gần như y hệt. Hôm 31/7 sau khi công bố quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỉ, ông Powell được hỏi lãi suất giảm sẽ giúp nền kinh tế thực như thế nào khi mà chi phí vốn không phải là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp.

Ông Powell đã trả lời rằng chính sách này "có vẻ sẽ tác động thông qua các kênh về niềm tin cũng như các kênh cơ học". Niềm tin doanh nghiệp quả thực đã khiến cho giá nhiều loại tài sản lên mức cao lịch sử nhưng lại không khiến doanh nghiệp đầu tư thêm.

Nền kinh tế ra sao khi doanh nghiệp không đầu tư?

Khi các nhà kinh tế học tìm kiếm vấn đề đáng ngại tiếp theo, tất cả đều tỏ ra quan tâm tới khối nợ của doanh nghiệp. Chính phủ Mỹ mới là đối tượng vay nợ điên cuồng nhất sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, không phải doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên chính phủ Mỹ lại sở hữu máy in tiền nên khó có thể phá sản được, và đã hàng chục năm nay không có vụ vỡ nợ nào xảy ra với một chính phủ quốc gia phát triển.

Các nhà phân tích tại Capital Group – một công ty đầu tư tại Los Angeles tỏ ra lo ngại về hoạt động dùng nợ để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu. "Chúng tôi đang xác định những công ty không dùng nợ cho mục đích chính là gia tăng qui mô hoạt động", ông David Bradin, một chuyên gia trái phiếu tại Capital Group nói.

Những doanh nghiệp đi vay để tăng chi tiêu tài sản cố định hoặc để thực hiện sáp nhập sẽ có nhiều lựa chọn để trả bớt nợ khi suy thoái diễn ra, chẳng hạn như bán bớt một phần tài sản không thuộc hoạt động cốt lõi để lấy tiền.

Những công ty đi vay rồi trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu sẽ khó xoay xở được nguồn tiền để trả nợ.

Giáo sư William Lazonick tại Đại học Massachusetts (Lowell) thì không chỉ lo về từng doanh nghiệp mà cho rằng việc mua lại cổ phiếu tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế, dù được tài trợ bằng nợ hoặc nguồn nào khác.

Từ hàng chục năm nay ông Lazonick đã vận động phản đối mua lại cổ phiếu. Thường ông khá đơn độc trong cuộc chiến này nhưng gần đây tình hình có một số chuyển biến. Năm 2015, ông tư vấn cho bà Hillary Clinton khi bà này tranh cử Tổng thống, ngoài ra ông còn được một ứng cử viên khác la Bernie Sanders tham vấn.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng trích dẫn nghiên cứu của Giáo sư Lazonick trong một báo cáo về tình trạng ít đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.

Giáo sư Lazonick cho rằng mua lại cổ phiếu là động lực làm cho tình trạng bất bình đẳng và đầu tư thấp thêm trầm trọng. Ông còn khẳng định nó là một nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp Mỹ tụt lại phía sau các tập đoàn Trung Quốc trong cuộc đua thống trị công nghệ viễn thông 5G.

Ông đang thực hiện một nghiên cứu so sánh giữa Huawei của Trung Quốc và Cisco của Mỹ. Theo đó, từ năm 2000 đến nay Cisco đã chi 100 tỉ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình.

Theo Giáo sư Lazonick, đa phần các nhà kinh tế dường như bị mù quáng bởi niềm tin rằng các thị trường tài chính là công cụ phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất và đã không nhìn ra được vấn đề. "Họ chỉ nói rằng 'Tiền sẽ được đầu tư vào đâu đó'", ông Lazonick nói. "Đó là một lập luận không có bằng chứng".

Theo vị giáo sư này, lãnh đạo doanh nghiệp thường gọi việc mua lại cổ phiếu là "chương trình hoàn vốn" và đây là tên gọi dễ gây hiểu lầm vì diễn đạt sai bản chất của sự việc.

"Vốn là thứ được đem đi đầu tư. Đây không phải là vốn, chỉ là tiền thôi", Giáo sư Lazonick nói.

Ngành công nghệ dính đòn đau nhất

Các nhà phân tích tại Citigroup mới đây dự báo chi tiêu cho tài sản cố định của doanh nghiệp Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, giảm đáng kể so với ước tính 4,2% chỉ 4 tháng trước đây.

Việc điều chỉnh giảm dự báo này phản ánh kế hoạch của 714 công ty niêm yết tại Mỹ và thể hiện tâm lí bi quan xuất hiện từ cuối năm ngoái đến nay do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài khiến doanh nghiệp suy giảm niềm tin vào nền kinh tế.

Trao đổi với Financial Times, ông Max Gokhman – Giám đốc phân bổ tài sản tại Pacific Life Fund Advisors nhận định: "Đầu tư tài sản cố định là một trong số những lo ngại lớn nhất về tình trạng của nền kinh tế. Năm nay, chúng tôi thấy tình hình kinh tế bất ổn đang có tác động xấu tới đầu tư".

Chi cho tài sản cố định thường được coi là một chỉ báo về lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai. Năm ngoái, khoản đầu tư này tăng trưởng 11% khi doanh nghiệp có nguồn vốn mới từ chính sách giảm thuế của Tổng thống Trump, từ 35% xuống còn 21%.

Năm nay, đầu tư được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn. Việc điều chỉnh giảm ước tính gần đây bắt đầu khiến nhà đầu tư lo lắng rằng các doanh nghiệp đang thận trọng quá mức do nguy cơ suy thoái kinh tế.

capex

Khảo sát của Business Roundtable cho thấy chi cho đầu tư tài sản của doanh nghiệp Mỹ đi xuống rõ rệt trong năm 2019. Nguồn: Financial Times/Business Roundtable

Các công ty phần cứng công nghệ tỏ ra dễ bị tổn thương nhất khi phải chịu áp lực kép từ triển vọng tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc. 

Đa số các lĩnh vực được dự báo sẽ tăng nhẹ đầu tư, riêng với các doanh nghiệp công nghệ, Citigroup cho rằng nhóm này sẽ cắt giảm đầu tư khoảng 8,7% trong năm nay. Hồi tháng 5, dự báo cắt giảm chỉ là 3,1%.

Tuần trước, tập đoàn công nghệ khổng lồ Cisco tiết lộ số đơn đặt hàng đối với thiết bị mạng giảm mạnh do các doanh nghiệp hạn chế nâng cấp hệ thống trước lo ngại tăng trưởng chậm lại. 

"Cisco là một ví dụ điển hình. Công ty này vừa mất doanh số ở Trung Quốc vừa thiệt hại do các công ty không nâng cấp mạng máy tính. Vì thế mà đầu tư của Cisco cũng sụt giảm", ông Gokhman nói.

Citigroup còn điều chỉnh số liệu tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của nhiều nhóm doanh nghiệp khác, chẳng hạn nhóm công nghiệp được dự báo sẽ tăng đầu tư chỉ 3,7% so với mức 8,4% đưa ra hồi tháng 5; dự báo với nhóm vật liệu giảm từ 26,2% xuống còn 14%.

Song Ngọc, Kiên Dương

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.